Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn trả lời về việc tước thẻ nhà báo của ông Nguyễn Như Phong - Ảnh: Thế Dũng
Chiều 4-10, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn đã trả lời câu hỏi liên quan đến việc báo Petrotimes bị đình bản và Tổng biên tập Nguyễn Như Phong bị tước thẻ nhà báo có phải do báo này đã cho đăng lại bài phỏng vấn từ trang thông tin nước ngoài về việc liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh?
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, lý do tước thẻ nhà báo của Tổng Biên tập Petrotimes Nguyễn Như Phong và đình bản tờ báo này đã được nêu rõ trong quyết định kỷ luật.
Theo đó, việc đăng lại bài phỏng vấn Bùi Thanh Hiếu (người có nick name “Người buôn gió” trên mạng xã hội) về việc Trịnh Xuân Thanh liên lạc với ông này tại Đức chỉ là một trong những lý do.
“Ông Bùi Thanh Hiếu là đối tượng chuyên gây rối an ninh trật tự, đã bị chính quyền xử lý năm 2009 và giờ đang sinh sống ở nước ngoài. Ông này cũng có nhiều hoạt động tuyên truyền sai sự thật, bôi nhọ nhà nước ta. Việc đăng lại phỏng vấn của người này trên một tờ báo của ngành dầu khí không chỉ là bôi nhọ cơ quan ngôn luận của ngành mà còn gián tiếp tiếp tay cho hoạt động chống phá của Bùi Thanh Hiếu” – ông Tuấn giải thích một trong những lý do khiến Petrotimes và người đứng đầu tờ báo này bị lãnh án kỷ luật.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT-TT, bài phỏng vấn về ông Trịnh Xuân Thanh được đăng theo hướng cắt xén, không nguyên vẹn, dễ dẫn đến hiểu nhầm là người này không có tội. Ông Tuấn cho rằng Petrotimes trích đăng bài đó là gián tiếp lái dư luận hiểu sai về vụ án, gây sai lệch về cuộc chiến chống tham nhũng của nhà nước, gây hoang mang dư luận, gây mất uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Bên cạnh đó, ông Trương Minh Tuấn cũng nêu thêm lý do khiến ông Nguyễn Như Phong bị tước thẻ nhà báo. Cụ thể, giấy phép hoạt động của báo này là thông tin liên quan đến lĩnh vực năng lượng dầu khí, phản ánh hoạt động của ngành dầu khí Việt Nam và thế giới, tuyên truyền tiết sử dụng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Nhưng thực tế, những thông tin về các lĩnh vực, mảng thông tin khác trên tờ báo này thậm chí lấn át nhiều mảng thông tin theo tôn chỉ mục đích. Trong đó có nhiều bài báo xúc phạm danh dự, phẩm chất người khác.
Dẫn chứng, ông Tuấn nêu với vụ án Năm Cam, việc phá vụ án này được đánh giá thành tích lớn nhưng Petrotimes lại liên tục cho đăng những bài lật lại vụ án này, gọi những cán bộ sai phạm, đã bị xử lý trong vụ án là “người hùng”… Trong loạt bài khác, báo này lại ca ngợi ông Dương Tự Trọng – người bị kết tội vì tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn. Tờ báo cũng từng đăng tải nhiều bài viết, thông tin sai lệch gây hoang mang như “Ông nghị sĩ Đặng Thành Tâm ôm 600 tỉ đi đâu?”, “Trung Quốc lấy nội tạng tử tù”, vụ bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường vứt xác phi tang thì đưa ra bài “Bộ trưởng Y tế nên từ chức”…
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay những bài viết đã đăng tải này đều đã bị nhắc nhở, phê bình nhưng Petrotimes sau đó vẫn tiếp tục tái phạm. “Là người đứng đầu tờ báo, ông Nguyễn Như Phong phải chịu trách nhiệm” – ông Tuấn khẳng định.
Nói về những thông tin trái chiều liên quan đến việc xử phạt Petrotimes như quan điểm cho rằng Việt Nam đang siết chặt báo chí, ông Tuấn khẳng định ông biết và cho rằng đó là điều dễ hiểu. “Việt Nam có luật lệ của Việt Nam, luật không chỉ bảo vệ quyền tự do của báo chí mà còn bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mọi người dân mà nếu nhà báo lạm dụng quyền của mình thì lại xâm phạm quyền của nhân dân. Việc xử lý lần này là việc làm trong sạch cơ quan báo chí. Tới đây chúng tôi tiếp tục rà soát việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của các báo” – ông Tuấn quả quyết.
Bình luận (0)