“Có hay không có vấn đề nhiều văn bản của các bộ “đá” nhau để bảo vệ lợi ích của bộ mình và có tham nhũng thông qua chính sách hay không?”- ông Thuyền nói và cho rằng Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ giám sát việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng chưa làm tròn trách nhiệm nên nhiều cử tri mong muốn Bộ Tư pháp đề xuất với Chính phủ trao cho họ quyền khởi kiện, đòi bồi thường đối với những văn bản trái luật để họ tự bảo vệ mình.
Đáp lại, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện nay rất đầy đủ, chặt chẽ qua nhiều tầng lớp. Chỉ trừ mỗi thông tư và thông tư liên tịch do các bộ ban hành là chưa có sự kiểm soát chặt chẽ. “Đó là do quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vấn đề này đã được chỉ đạo và chúng tôi đang tổng kết để tới đây đề nghị Quốc hội sửa đổi” - ông Cường nói.
Không đồng tình, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng trong nhà nước pháp quyền thì người dân và nhà nước cùng phải tôn trọng pháp luật. Công dân sai thì bị xử phạt, còn nhà nước sai thì có xử phạt, bồi thường không?.
“Đứng về phía người dân thì tôi không thể đồng tình với việc không cho phép người dân được khởi kiện quy định trái luật, gây thiệt hại cho họ. Ví dụ vừa rồi Công an tỉnh Hải Dương thu giữ một lô bạch tuộc của bà con nhân dân huyện Cần Giờ (TP HCM) trái quy định, gây hư hỏng hàng hóa thì phải bồi thường chứ sai mà bảo không bồi thường thì không được tý nào cả”- ông Thuyền vặn lại.
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng quan điểm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện nay còn hay đẩy cái khó cho người dân. Ông Hà dẫn chứng việc xử phạt đối với người không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định (xe chính chủ) thì xử phạt người sở hữu hay xử phạt người sử dụng phương tiện? Trách nhiệm chứng minh lỗi của người sử dụng phương tiện hay cơ quan nhà nước? Việc xử phạt thuộc cơ quan công an hay cơ quan thuế?
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết thẩm quyền xử phạt đặt ở lĩnh vực nào vẫn còn gây tranh cãi. Ô tô và xe máy là nguồn nguy hiểm, có thể gây tai nạn cao. Đó cũng là phương tiện sử dụng để buôn lậu và những mục đích khác nên việc đăng ký, chuyển đổi quyền sở hữu từ người bán sang người mua phải được thực hiện để duy trì trật tự quản lý.
Quy định chuyện này trong nghị định nào thì các cơ quan liên quan cũng đã bàn. Nếu đưa vào nghị định về phí và lệ phí sẽ phức tạp. “Đây là lĩnh vực chuyển quyền sở hữu thuộc đăng ký phương tiện nên tạm thời đưa vào dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và công an được xử phạt. Tất nhiên Chính phủ sẽ hướng dẫn trường hợp nào xử phạt” - ông Cường nói và cho biết dự thảo nghị định này nằm trong nhóm những nghị định Chính phủ đang bàn và sẽ quyết định thông qua trong thời gian tới.
Bình luận (0)