Tại lưu vực các thủy điện: Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My), Sông Tranh 3 (huyện Tiên Phước), A Vương (huyện Đông Giang), Đắk Mi 4 (huyện Phước Sơn), Sông Bung 2 và Sông Bung 4 (vùng giáp ranh 2 huyện Nam Giang - Tây Giang), nạn phá rừng đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ NN-PTNT kiểm tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-4.
Phát triển thủy điện, ngoài lợi ích kinh tế, mặt trái của nó rất đáng sợ. Sợ nhất là mất rừng. Trước nay, nạn mất rừng luôn song hành với các dự án thủy điện. Theo số liệu của Cục Kiểm lâm, chỉ tính riêng trong năm 2011, cả nước xảy ra 29.549 vụ vi phạm lâm luật. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng dẫn đầu với 2.207 vụ, tỉnh Đắk Lắk xếp thứ hai với 1.951 vụ, kế đến là tỉnh Gia Lai với 1.422 vụ, tỉnh Quảng Nam xếp thứ tư với 1.411 vụ. Đây cũng là những tỉnh có rất nhiều thủy điện: Gia Lai khoảng 110, Lâm Đồng khoảng 70, Quảng Nam khoảng 62…
Mà nào phải lâm tặc mới phá rừng! Những cư dân cả đời gắn bó với rừng, xem rừng như nguồn sống của mình, đến một ngày phải nhường chỗ cho các dự án thủy điện, trở nên tay trắng, đành phải “bội bạc” với rừng để sống. 674 hộ dân với 3.500 nhân khẩu ở huyện Bắc Trà My - Quảng Nam, thuộc diện di dời bởi dự án thủy điện Sông Tranh 2 là một ví dụ. Chẳng hiểu vì sao chính quyền địa phương lại đưa họ đến tái định cư giữa vùng rừng phòng hộ đầu nguồn. Ở nơi ấy, trong cảnh đói ăn và thiếu đất sản xuất, không phá rừng thì còn biết làm gì!
Đấy mới chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người dân bỗng dưng trở thành… lâm tặc sau khi các công trình thủy điện mọc lên. Trách nhiệm trước hết thuộc về các chủ đầu tư và chính quyền địa phương khi đã không thực hiện đồng bộ những kế hoạch an cư cho dân. Về nơi ở mới mà lơi bơi bởi thiếu đất sản xuất, không có việc làm thì những khu nhà tái định cư khang trang kia còn ý nghĩa gì nữa! Và thảm trạng đó đang diễn ra, không chỉ với dân tái định cư thuộc thủy điện Sông Tranh 2 mà A Vương, Đắk Mi 4… cũng thế.
Rừng mất, dân thiệt, vậy ai được lợi? Các chủ đầu tư chứ còn ai nữa! Theo báo cáo tài chính năm 2011, hầu hết các doanh nghiệp thủy điện đều lãi to dù giá điện họ bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ xấp xỉ một nửa mức người tiêu dùng phải trả. Điều đó giải thích vì sao các dự án thủy điện cứ nối đuôi nhau ra đời bất chấp môi sinh và đời sống người dân ở các lưu vực thủy điện ngày càng bị tàn phá, xuống cấp. Lợi nhuận thì vơ vét cho đầy túi riêng còn hậu quả vì mất rừng thì bắt cả cộng đồng phải gánh, bội bạc đến thế là cùng!...
Bình luận (0)