Trước đây, 6 tỉnh phía Bắc phải mua điện của Trung Quốc với giá cao hơn giá mua của các dự án điện trong nước và cũng cao hơn nhiều giá bán cho người dân. Trong các năm gần đây, tình trạng chung trong lĩnh vực năng lượng điện là: Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) bán than với giá rẻ cho Trung Quốc để Trung Quốc dùng than phát điện và bán điện đắt cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Điều đáng lo nhất là có đến 90% dự án về điện đều do Trung Quốc trúng thầu. Chiến lược của các nhà thầu Trung Quốc là giá. Khi tham gia dự thầu, ban đầu họ thường chấp nhận tất cả vấn đề nêu trong hồ sơ mời thầu của Việt Nam nhưng sau khi đã được chấp nhận trúng thầu, nhà thầu Trung Quốc chỉ thực hiện theo ý mình, ép chủ đầu tư phải chấp nhận những “tiêu chuẩn” chất lượng của họ (thường thấp hơn và rẻ tiền hơn so với thiết kế của chủ đầu tư nêu trong hồ sơ mời thầu).
Ở các dự án Nhiệt điện Hải Phòng hay Nhiệt điện Quảng Ninh (của EVN), khi phát hiện nhà thầu Trung Quốc đưa sang các thiết bị/vật tư kém chất lượng, không đúng thiết kế, chủ đầu tư không cho lắp nhưng nhà thầu cứ lắp, thậm chí còn không cho chủ đầu tư được vào kiểm tra trong hàng rào nhà máy hay lắp vào lúc chủ đầu tư không bám thực địa!
Các dự án nhiệt điện chạy than lớn của Việt Nam cũng chủ yếu sử dụng thiết bị có nguồn gốc Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với thiết bị được chế tạo tại các nước G7/G8. Kể cả các thiết bị của các hãng của G7, do G7 thiết kế nhưng được tổ chức chế tạo tại Trung Quốc thì chất lượng cũng khá thấp do tiêu chuẩn chế tạo của Trung Quốc rất thấp. Vì vậy, dù vốn đầu tư (mua sắm thiết bị) có giảm nhưng chi phí vận hành và chi phí sửa chữa cũng rất cao. Kết cuộc là hiệu quả của các dự án điện sử dụng thiết bị chế tạo tại Trung Quốc còn thấp hơn so với các dự án dùng thiết bị “xịn” của G7.
Hơn nữa, giới thạo tin trong lĩnh vực năng lượng cho biết nhà thầu Trung Quốc đi “cửa sau” rất giỏi và rất chuyên nghiệp. Đến khi dự án đi vào triển khai, chủ đầu tư Việt Nam sẽ phải chấp nhận các thiết bị kém chất lượng với duy nhất tờ giấy với tiêu đề “Quality Certificate” gọi là “Phiếu chất lượng” để che mắt.
Ngoài ra, việc sử dụng vốn ODA của Trung Quốc cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì chủ đầu tư không kiểm soát được tỉ giá của đồng nhân dân tệ so với USD, không kiểm soát được việc thanh toán theo tiến độ (thường phía Trung Quốc yêu cầu ngân hàng Trung Quốc thanh toán ngay khi đưa thiết bị sang, bất chấp thiết bị đó có được chủ đầu tư chấp nhận hay không), không phạt được nhà thầu nếu nhà thầu vi phạm (về chất lượng và tiến độ). Và cuối cùng, do sử dụng ODA của Trung Quốc nên nhà thầu thường đưa ra yêu sách là phải làm theo cách của Trung Quốc, bất chấp hồ sơ mời thầu và thiết kế của chủ đầu tư.
Đừng mua điện giá cao
Để tránh lệ thuộc vào năng lượng của Trung Quốc, trước mắt, Chính phủ cần thanh tra các dự án điện có vấn đề, làm rõ chất lượng thực sự so với yêu cầu trong hồ sơ mời thầu; các “sai lệch” của nhà thầu đã bị chủ đầu tư thông đồng, móc ngoặc để bỏ qua trong triển khai sau đấu thầu.
Thêm nữa, EVN không mua điện với giá quá cao từ Trung Quốc. Tiến hành phân nhóm các biện pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; phân tích tình hình từ phía cung và cầu để thấy cần giảm cầu ở khâu nào, ví dụ như thay dần các công nghệ lạc hậu ngốn nhiều năng lượng (ở đây nên dựa vào hệ số tiêu dùng năng lượng trên đơn vị sản phẩm của nền kinh tế để đánh giá), nhìn nhận lại các dự án “quá tải” sử dụng quá nhiều điện, hiệu quả thấp.
Quan trọng nữa là phát triển một thị trường năng lượng cạnh tranh, dứt khoát xóa bỏ độc quyền. Phát huy vai trò điều tiết của nhà nước ở góc độ tạo luật chơi bình đẳng và khuyến khích công nghệ tiên tiến. Có kế hoạch chủ động tìm các đối tác khác thay thế về thiết bị điện. Về cơ bản, cần xây dựng Luật Đấu thầu và các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu đủ mạnh, chặt chẽ để có thể loại các nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu giá rẻ, kém chất lượng mà nay hậu quả đã nhãn tiền.
Còn phụ thuộc nguồn vốn rẻ
Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2014, Việt Nam có kế hoạch nhập khoảng 2,5 tỉ KWh điện từ Trung Quốc, lượng điện nhập khẩu chiếm 2,6% so với tổng nhu cầu điện tiêu thụ ở trong nước. Trung Quốc đã viện trợ hầu khắp các ngành công nghiệp, năng lượng của Việt Nam. Vốn vay ưu đãi lãi suất thấp từ Trung Quốc chủ yếu là từ đầu mối Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Chẳng hạn, ở ngành điện, tính đến năm 2011, trong tổng số 9 dự án nhiệt điện do Vinacomin làm chủ đầu tư có 4 dự án vay vốn tín dụng xuất khẩu hoặc ODA của Trung Quốc. Các dự án nhiệt điện Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả, Mạo Khê đều chủ yếu vay tín dụng xuất khẩu của China Eximbank, mỗi dự án có tổng vốn đầu tư ít nhất cũng hơn 3.500 tỉ đồng...
Kỳ tới: Cơ hội để tự chủ
Bình luận (0)