Các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng bỏ phiếu tín nhiệm. Ảnh: H. Dũng
Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết 35 năm 2012 của Quốc hội.
Báo cáo về kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn của Ban Dân nguyện - UBTVQH cho thấy kết quả lấy phiếu tại kỳ họp thứ 5, QH khóa XIII (tháng 5-2016) đối với 47 chức danh thì không có người nào có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% tổng số đại biểu QH.
Đối với người giữ chức vụ do HĐND cấp tỉnh bầu, báo cáo này nêu rõ chỉ duy nhất có 2 cán bộ tỉnh Gia Lai có trên 50% phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trong tổng số 907 người được lấy phiếu. Đáng kể có 8 tỉnh, 100% người được lấy phiếu có tỷ lệ “tín nhiệm cao” đạt trên 50% (Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Bình, Tuyên Quang).
Ở phạm vi cấp huyện, tính đến ngày 10-9, đã có 6.141 người được lấy phiếu tín nhiệm ở 58/63 tỉnh (còn một số huyện ở Thái Bình, Lạng Sơn, Đồng Tháp, Quảng Nam, Vĩnh Long chưa có báo cáo) nhưng chỉ 12 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp (chiếm 2,%).
Phạm vi cấp xã, đến ngày 10-9, có 52.946 người được lấy phiếu tín nhiệm ở 55/63 tỉnh (còn một số xã thuộc Thái Bình, Khánh Hòa, Kiên Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Vĩnh Long, Lạng Sơn, Đồng Tháp chưa có báo cáo).
Trong đó, có 396 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” (chiếm 0,8%). Đặc biệt, trong số này, 5 người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp (Bình Phước, Cao Bằng, Phú Thọ, Kon Tum, Thanh Hóa).
Góp ý về báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng kết quả lần đầu lấy phiếu tín nhiệm ở các cấp mới dừng ở mức “tròn vo”. “Nếu chỉ nhìn vào kết quả này thì có thể hoàn toàn yên tâm về công tác phòng chống tham nhũng” - ông Hiện lo lắng. Mạnh dạn hơn, ông Hiện đề nghị lấy phiếu cả người bỏ phiếu khi mà càng lên cao, tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” càng ít đi.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lập luận kết quả nhóm người thuộc cơ quan dân cử (lãnh đạo QH, HĐND các cấp) tín nhiệm đều cao hơn 50%, nhóm Chính phủ, lãnh đạo UBND các cấp số phiếu đều thấp hơn, cho thấy không nên lấy phiếu tín nhiệm đối với các đại biểu dân cử vì giá trị để phát hiện vấn đề, thay đổi chính sách không cao.
“Hơn nữa, những người được lấy phiếu thuộc Chính phủ, UBND các cấp có số lượng tín nhiệm cao không nhiều vì những yêu cầu bức xúc của xã hội đối với công việc mỗi chức danh này đảm nhận” - ông Phước chia sẻ.
Do vậy, ông Ksor Phước đề nghị thay đổi phương thức lấy phiếu lần sau, chỉ tiến hành đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh thuộc cơ quan tư pháp, hành pháp, hành chính các cấp - những cơ quan va chạm nhất, sát sườn nhất liên quan đến đời sống người dân. Cùng với đó, cần bổ sung thêm nhóm các giám đốc sở, trưởng phòng, ban ở huyện, xã vào danh sách lấy phiếu. “Lấy phiếu tín nhiệm không phải để ca ngợi nhau mà là hàn thử biểu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của những người thực thi công vụ” - ông Phước nhìn nhận.
Đáng chú ý, theo vị Chủ tịch Hội đồng dân tộc, cần điều chỉnh việc lấy phiếu mà không nên duy trì 3 mức “tín nhiệm cao - tín nhiệm - tín nhiệm thấp” như vừa qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề xuất 2 năm tiến hành lấy phiếu 1 lần thay vì hàng năm. Bởi theo ông Hiển, việc lấy phiếu gần quá sẽ tạo áp lực cho các chức danh “nhụt chí”, dẫn đến thiếu quyết liệt trong thực thi công vụ.
Thận trọng hơn, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị cần tiếp tục tiến hành lấy phiếu một vài lần nữa để tổng kết, rút kinh nghiệm, đề xuất thay đổi.
Chốt lại, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định sẽ báo cáo đầy đủ kiến nghị trình Trung ương Đảng, QH xem xét quyết định.
Bình luận (0)