Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm. Ảnh: Văn Duẩn
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm sáng 19-12, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm thừa nhận công tác phòng, chống mại dâm đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn còn có những quan điểm, nhận thức trái chiều nhau đối với vấn đề mại dâm. Đồng thời, hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm của chúng ta cũng đã bộc lộ một số bất cập, không còn phù hợp.
Theo ông Đàm, tệ mại dâm là vấn đề xã hội khó giải quyết không chỉ ở Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới. Có một số nước chọn mô hình hợp pháp hóa mại dâm, coi mại dâm là một nghề, tuy có mặt tích cực trong quản lý xã hội, y tế công cộng nhưng tác hại và hậu quả lâu dài đối với vấn đề văn hóa, phát triển con người. “Hoạt động mại dâm ở Việt Nam là bất hợp pháp. Mỗi mô hình đều có mặt tích cực và hạn chế trong quản lý, không có mô hình nào mang lại hiệu quả toàn diện và tuyệt đối” - ông Đàm nói.
Theo ông Đàm, hiện nay xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực là không hợp pháp hóa mại dâm, nhưng cũng không hình sự hóa để tránh việc đẩy mại dâm trở thành trá hình, khó kiểm soát. “Chấp nhận mại dâm như là một tồn tại xã hội và giải quyết vấn đề này trên cơ sở tôn trọng quyền con người, đối xử nhân đạo, công bằng thông qua tăng cường các biện pháp giảm hại đối với cộng đồng, xã hội” - ông Đàm bày tỏ.
Theo báo cáo, đến tháng 11-2014, cả nước có 11.240 người bán dâm có hồ sơ quản lý song con số trên thực tế có thể còn cao hơn. Ảnh: TÂN TIẾN
Ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến tháng 11-2014, cả nước có 11.240 người bán dâm có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, ông Đàm nhấn mạnh con số thực tế có thể còn cao hơn do đây là một hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình của loại hình dịch vụ này.
“Hiện đã xuất hiện những đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm mới như gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm qua internet, facebook” - ông Đàm nói.
Bộ Công an đã thống kê, lên danh sách 6.521 nữ nhân viên trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện nghi hoạt động mại dâm và lập hồ sơ trên 6.838 gái mại dâm chuyên nghiệp; tổ chức triệt phá 11.676 tổ chức hoạt động mại dâm, bắt hơn 47 ngàn đối tượng. Nhiều tổ chức hoạt động mại dâm liên tỉnh, xuyên quốc gia bị triệt phá. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công an cũng thừa nhận: “Tình hình hoạt động mại dâm có lúc, có nơi vẫn là vấn đề nhức nhối, về cơ bản vẫn chưa làm chuyển biến được tình hình”.
Trong hoạt động mại dâm, phổ biến nhất là các phương thức sử dụng các nhà hàng, khách sạn, quán karaoke, cà phê đèn mờ để hoạt động mại dâm. Từ năm 2008 đến nay, hoạt động mại dâm theo phương thức “gái gọi” đã phát triển và ngày càng phức tạp hơn với việc sử dụng công nghệ cao để hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, thậm chí ra nước ngoài. Đáng chú ý là những tổ chức, đường dây hoạt động mại dâm có sự tham gia của một số người mẫu, diễn viên, ca sĩ, gái gọi cao cấp… mà điển hình là đường dây gái gọi do Nguyễn Trung Kiên (Kiên “pê đê” ); Nguyễn Văn Hoàng (tức Hoàng “Mẫu” ) cầm đầu mới bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an triệt phá.
Bình luận (0)