Ngày 4-9, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2014.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đây là năm thứ 3 đánh giá kết quả triển khai cải cách hành chính thông qua công cụ đánh giá, đo lường và xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phương pháp lấy chỉ số CCHC được đánh giá bằng cách kết hợp tự đánh giá của các bộ, các tỉnh với đánh giá thông qua điều tra xã hội học . Đối với cấp bộ được xác định trên 7 lĩnh vực, 31 tiêu chí và 89 tiêu chí thành phần (24 tiêu chí, tiêu chí thành phần được đánh giá thông qua điều tra xã hội học). Đối với cấp tỉnh được xác định trên 8 lĩnh vực, 34 tiêu chí và 104 tiêu chí thành phần (33 tiêu chí, tiêu chí thành phần đánh giá qua điều tra xã hội học).
Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, thông qua Chỉ số CCHC xác định rõ mặt mạnh, mặt yếu trong thực hiện CCHC của một số bộ, các tỉnh; đồng thời nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước trong chỉ đạo, lãnh đạo và triển khai nội dung CCHC.
Theo phương pháp đánh giá, giá trị trung bình chỉ số CCHC của 19 bộ, cơ quan ngang bộ là 76,99%, cao hơn năm 2012 nhưng lại thấp hơn năm 2013 (giảm 0,26%).
Nhóm đạt kết quả chỉ số CCHC trên 80% gồm 5 đơn vị: Bộ Giao thông Tận tải (GTVT), Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ.
Nhóm đạt từ trên 70% đến dưới 80% gồm 14 cơ quan còn lại gồm: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Dân tộc, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN).
Trong khi Bộ GTVT đứng thứ nhất với 81,83% thì xếp cuối cùng là Bộ KH-CN với 71% (giảm 6,27% so với 2013), Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp 18/19, giảm 6,13% so với 2013.
Theo báo cáo, kết quả Chỉ số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sự tăng đều về điểm số, giá trị trung bình Chỉ số CCHC cao hơn so với giá trị trung bình Chỉ số CCHC của các bộ.
Kết quả, lần đầu tiên có tỉnh đạt Chỉ số CCHC trên 90% và có đến 44 tỉnh, thành phố đạt kết quả từ 80% trở lên, gấp đôi so với số lượng năm 2013.
TP Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu chỉ số CCHC 2014, đạt chỉ số 92,54%, cao hơn so với mức trung bình của cả nước 11,33%, đồng thời cao gấp 1,44 lần so với Chỉ số CCHC của tỉnh Bắc Kạn - tỉnh có vị trí cuối cùng trong số 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Theo báo cáo, nhóm đạt chỉ số trên 90% gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng; Nhóm đạt 80- 90% có 41 tỉnh, thành phố; nhóm 70-80% có 15 tỉnh, thành phố; nhóm xếp cuối dưới 70% gồm: Hà Nam, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn.
Từ kết quả này, hội nghị quán triệt tới các cơ quan, đơn vị việc xác định Chỉ số CCHC là nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của các cơ quan, đơn vị. Từ đó cần nâng cao trách nhiệm của các cấp các ngành, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong CCHC hàng năm.
Ngoài ra, báo cáo cũng nêu, một số bộ, tỉnh vẫn chưa thực sự quan tâm đến triển khai các nội dung CCHC, chỉ số này vẫn chưa được coi là công cụ trong quản lý công tác CCHC.
“Tuy nhiên, một số bộ, tỉnh tự đánh giá, chấm điểm thiếu chính xác nên sau khi rà soát, thẩm định đã có sự chênh lệch lớn giữa điểm tự chấm và điểm đánh giá của Bộ Nội vụ” - ông Trần Anh Tuấn cho hay.
Bình luận (0)