Nơi duy nhất của cả nước tổ chức cai nghiện game online là Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Nam (TTNMN) đã chính thức bỏ cuộc, không mở lớp nhận học viên nữa. Trong khi đó, mỗi ngày đều có hàng chục phụ huynh tìm đến đây cầu cứu, nhờ tư vấn giúp đỡ con em mình thoát ra khỏi thế giới ảo.
Bức bách chẩn trị
Khoảng 5 năm về trước, tình trạng học sinh, sinh viên bỏ bê trường lớp, thay đổi tính tình ngày càng nhiều. Lúc đầu, phụ huynh lơ mơ chưa hiểu nguyên nhân từ đâu. Sau một thời gian theo dõi, tìm hiểu, người ta mới biết “quý tử” của họ trở nết như vậy là do dành quá nhiều thời gian ở tiệm internet với những trò đâm chém bằng bàn phím và con chuột.
Những người cha xúc động khi thấy con mình cai nghiện game thành công ở Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Nam
Khi Trung tâm TTNMN mở chương trình “Học kỳ quân đội”, lúc đầu phụ huynh có con nghiện game đưa con mình tham gia như một biện pháp cách ly với thế giới ảo. Thấy cán bộ Trung tâm TTNMN nhiều tâm huyết và kỹ năng, họ đã khẩn thiết đề nghị mở lớp cai nghiện game online.
Năm 2008, Trung tâm TTNMN đã xây dựng và tổ chức chương trình “Cai nghiện game online” (ban đầu có tên là “Tự kiểm soát bản thân trước game online và internet”).
Nhiều phụ huynh trên toàn quốc, từ Tuyên Quang, Hà Nội, Thanh Hóa đến Đà Nẵng, TPHCM, Tây Ninh, Cần Thơ... đã đưa con em mình đến Trung tâm TTNMN với niềm mong mỏi duy nhất là làm sao cho chúng “cắt cơn, giải độc”, đưa game bạo lực ra khỏi đầu óc.
Tất cả 4 lớp cai nghiện game online mà Trung tâm TTNMN thực hiện đều bế giảng trong nước mắt và những cái ôm siết chặt đầy tin tưởng giữa học viên và cha mẹ.
Bước ra khỏi thế giới ảo internet sau 10 ngày tham gia, các bạn trẻ trở về thực tại và chợt nhận ra mình đã gây quá nhiều đau khổ cho người thân. Để đưa được một “con nghiện” đến lớp đã khó, việc “cắt cơn” và chống tái nghiện càng khó khăn hơn.
Đối với mỗi một học viên, cán bộ Trung tâm TTNMN phải kiên trì tiếp xúc, tác động ngay tại tư gia của “con nghiện” và theo suốt cho đến khi cai nghiện thành công. Có gia đình hợp tác tốt nhưng cũng không ít bậc phụ huynh lơ là, ỷ lại vào trung tâm khiến công sức của các điều phối viên có khi đổ sông đổ bể.
Đuối sức với game online
Các đường dây điện thoại của Trung tâm TTNMN thường xuyên trong tình trạng “nóng” với hàng loạt cuộc gọi của phụ huynh. Tuy nhiên, sau 4 năm, Trung tâm TTNMN chỉ tổ chức được 4 lớp. Theo bà Trần Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Trung tâm TTNMN, dù kết quả cai nghiện thành công đạt 80%-90% nhưng cơ quan đành phải gác lại chương trình có ý nghĩa này vì không đủ lực để tiếp tục.
“Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều mô hình giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên nhưng không có công việc nào cực khổ như việc cai nghiện game online. Nếu so với chương trình “Học kỳ quân đội” thì nó khó gấp 10 lần” - bà Liên nói.
Ngoài nhọc nhằn trên, cán bộ Trung tâm TTNMN còn chịu nhiều sức ép khác. Bà Trần Thị Kim Liên không ít lần bị khủng bố bằng tin nhắn, điện thoại và cả những vụ đụng xe bất ngờ ngoài đường. Có tin nhắn nặc danh đe bà Liên: “Chơi game phát triển trí thông minh, tại sao lại phải cai. Coi chừng bị cắt gân đó” (!).
Theo bà Trần Thị Kim Liên, với thực trạng nghiện game online tràn lan như hiện nay, Nhà nước phải thực sự vào cuộc để thành lập các cơ sở cai nghiện.
“Một đơn vị hạn chế về tài chính và nhân lực như chúng tôi không thể nào cáng đáng được mà chỉ có làm thí điểm. Nếu ở đâu thành lập đơn vị tương tự, Trung tâm TTNMN sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp tài liệu và tư vấn kỹ năng”- bà Kim Liên khẳng định.
Các nước cai nghiện game ra sao?
Tại châu Âu, Trung tâm Trị liệu Smith & Jones ở Amsterdam, Hà Lan là trung tâm đầu tiên nhận bệnh nhân có triệu chứng nghiện game. Mở cửa từ tháng 6-2006, trung tâm này có tỉ lệ điều trị thành công rất cao cho các con nghiện game.
Tại Mỹ, Tổ chức Online Gamers Annonymous, thành lập vào năm 2002, tổ chức nhiều hoạt động gặp mặt, chat online và nói chuyện để cải thiện tình trạng của các thành viên. Tháng 7-2009, tổ chức ReSTART cũng được thành lập tại Fall City, Washington, với phương thức tư vấn và hỗ trợ tại gia. Bệnh viện McLean Hospital tại Massachusetts cũng đã mở dịch vụ dành cho các đối tượng nghiện game và máy tính.
Tại Hàn Quốc, Quỹ Văn hóa Game (GCF) lần đầu tiên khai trương một trung tâm cai nghiện game tại Bệnh viện Đại học JoongAng ở Seoul vào tháng 6-2011.
Tại Trung Quốc, gần đây, một phóng viên của nhật báo Mỹ The Christian Science Monitor đã đến thăm một trung tâm cai nghiện game được đặt tại một căn cứ quân sự ở Bắc Kinh cai nghiện game thông qua một khóa huấn luyện kỷ luật quân đội 3 tháng. Tại Trung Quốc hiện có hơn 300 trung tâm cai nghiện game. |
Bình luận (0)