Sáng 10-11, Thanh tra Chính phủ (TTCP) phối hợp với nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố nghiên cứu, khảo sát “Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công - Quy định và thực tiễn ở Việt Nam”.
Theo khảo sát, xung đột lợi ích là tình huống trong đó một cán bộ công chức, trong thẩm quyền chính thức của mình đưa ra hoặc phải đưa ra các quyết định, hoặc những hành động có thể tác động tới lợi ích cá nhân của họ.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, phát biểu tại buổi công bố
6 lĩnh vực hoạt động trong khu vực công được “soi” dưới lăng kính xung đột lợi ích gồm: cung cấp dịch vụ công; bổ nhiệm và tuyển dụng; quản lý đấu thầu; cấp phép, phê duyệt dự án; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Từ đây, TTCP và WB đúc kết có 4 hình thức tác động phổ biến: tặng quà/nhận quà bằng tiền và hiện vật; đầu tư chia sẻ lợi ích; sử dụng lợi thế thông tin để vụ lợi; ra quyết định hoặc tác động có lợi cho người thân.
Đáng chú ý, theo nghiên cứu, khảo sát gần 70% số doanh nghiệp và cán bộ, công chức (CBCC) biết rõ việc tặng/nhận quà có mục đích chủ yếu là giúp giải quyết công việc. Cảm nhận chung là tặng quà trở thành trào lưu, thông lệ, thậm chí “luật chơi”. “CBCC tặng quà cho cấp trên để thể hiện sự biết điều”- báo cáo nêu.
Nhóm nghiên cứu kiến nghị cần hoàn thiện các quy định về tặng và nhận quà theo hướng quy định nguyên tắc chung giảm thiểu rủi ro xung đột lợi ích trong khu vực công. Không cho phép CBCC nhận quà tặng dưới mọi hình thức và mọi giá trị, đặc biệt là CBCC trong những ngành, lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực.
Báo cáo đề cập tới "lỗ hổng" tại Điều 40 của Luật Phòng chống tham nhũng quy định rõ CBCC, viên chức không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác từ tổ chức hoặc cá nhân có liên quan tới công việc của mình. “Tuy vậy, các quy định này không áp dụng với bất cứ thành viên nào trong gia đình của CBCC”- Báo cáo nêu.
So sánh quy định về nhận quà của Việt Nam so với các nước Đông Nam Á cho thấy có sự khác biệt rõ ràng. Các nước này áp dụng quy định kiểm soát nhận quà với cả thành viên gia đình CBCC. Cụ thể, ở Hàn Quốc, Singapore, CBCC phải ngăn không cho vợ/chồng, họ hàng thân thích được nhận quà.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng TTCP đánh giá xung đột lợi ích là một chế định được phổ biến rộng rãi ở nhiều quốc gia nhưng ở Việt Nam chưa có vấn đề này. “Nhận thức trong giới chính sách về vấn đề này càng tăng cao để xây dựng một Chính phủ liêm chính”- ông Thanh đánh giá.
Bình luận (0)