Trình bày dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND sáng 5-11, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết những hành vi bị cấm khi vận động bầu cử gồm: Không được lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, uy tín và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; không được lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; không được sử dụng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra do ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong vận động bầu cử chưa thật sự đầy đủ và chưa dự liệu hết các khả năng có thể phát sinh trên thực tế.
Ông Lý cho biết các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc cần quy định cụ thể hơn về việc tuyên truyền, vận động bầu cử để bảo đảm có sự thống nhất trong thực hiện, vừa có thể linh hoạt, tạo điều kiện cho người ứng cử sử dụng được một cách tốt nhất các cơ hội giới thiệu về bản thân, song vẫn cần chặt chẽ để bảo đảm tính công bằng, dân chủ, khách quan trong quá trình bầu cử.
“Nhiều ý kiến nhất trí với quy định về hai hình thức vận động bầu cử: Người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương nơi mình ứng cử tổ chức và vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, có ý kiến còn băn khoăn về việc quy định giới hạn chỉ có 2 hình thức vận động bầu cử nói trên sẽ hạn chế khả năng, cơ hội để người ứng cử được tiếp cận, giới thiệu về mình đến cử tri” - ông Lý nói.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định của dự thảo luật về cơ cấu, tổ chức cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia. Hội đồng bầu cử quốc gia là một thiết chế hiến định, với những chức năng đã được xác định rõ bao gồm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp; Chủ tịch Hội đồng do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, các thành viên khác do Quốc hội phê chuẩn. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị dự thảo luật cần được tiếp tục rà soát, làm rõ thêm các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, cơ cấu tổ chức của hội đồng, làm rõ hơn trách nhiệm của hội đồng trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; vai trò của Hội đồng bầu cử quốc gia trong chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; mối quan hệ giữa Hội đồng bầu cử quốc gia với chính quyền địa phương, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương cũng như với các cơ quan, tổ chức khác tham gia vào quy trình bầu cử....
Ủy ban pháp luật đề nghị trong luật cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Hội đồng bầu cử quốc gia và của các cơ quan khác trong việc tổ chức bầu cử đại biểu HĐND nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt trong công tác tổ chức bầu cử nói chung, nhất là khi các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND lại được tổ chức trong cùng một ngày. Việc bố trí các tổ chức phụ trách bầu cử ở cấp xã cũng cần được cân nhắc thêm để bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động, tinh gọn về tổ chức. Lý do là bởi với phạm vi địa bàn không quá lớn, song bên cạnh ủy ban bầu cử, vẫn phải tổ chức thêm các ban bầu cử cho mỗi đơn vị bầu cử (mỗi xã có ít nhất là 3 đơn vị bầu cử, còn thông thường là từ 5 - 7 hoặc nhiều hơn); dưới đó là các Tổ bầu cử thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu (có những đơn vị bầu cử chỉ có 1 khu vực bỏ phiếu).
Bình luận (0)