Qua ý kiến phát biểu trong các buổi tiếp xúc với đại biểu (ĐB) QH và trên báo chí, nhiều cử tri đã gửi gắm niềm tin và sự ủy thác lớn lao cho những người đại diện của mình. Ai cũng mong các ĐB thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với ý thức trách nhiệm cao nhất, thể hiện sự sáng suốt và bản lĩnh vững vàng. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến băn khoăn về khả năng ĐB thiếu thông tin hoặc đánh giá theo kiểu "dĩ hòa vi quý", "chín bỏ làm mười".
Về phía những người thực thi nhiệm vụ, nhiều ĐB tự tin là đã có đủ căn cứ để đánh giá cả 47 vị được lấy phiếu tín nhiệm. Một số ĐB thể hiện sự thận trọng khi nhắc đến những khó khăn khách quan cần được xem xét để đánh giá cho công bằng. Các vị có trách nhiệm khẳng định không có chuyện "quán triệt" hay "vận động" thiếu khách quan. Nói tóm lại, có thể nói tất cả mọi việc đã được chuẩn bị một cách đầy đủ, với thái độ nghiêm túc để thực hiện tốt nhất công việc hệ trọng này.
Nhưng đã gọi là lấy phiếu, bỏ phiếu thì bao giờ kết quả cũng là mối quan tâm hàng đầu. Dĩ nhiên, như ĐB Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng QH - đã khẳng định: "Cái chính là đánh giá kết quả cho chính xác chứ không phải cứ ra kết quả nhiều người tín nhiệm thấp hoặc có ai thấp hẳn mới là tốt." Nhưng tình hình kinh tế - xã hội sa sút thế này mà phiếu tín nhiệm của tất cả các chức danh đều cao thì liệu kết quả ấy có thuyết phục được cử tri không?
Một tờ báo điện tử cho biết: "Một ĐB có thâm niên và dày dạn bản lĩnh nghị trường khá trầm tư khi bày tỏ rằng ông đang lo lắm. Vì nếu không thực hiện đến nơi đến chốn thì chính QH sẽ mất tín nhiệm với cử tri ngay lần đầu tiên thực hiện lấy phiếu tín nhiệm."
Đúng là qua cuộc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm này, chính các ĐBQH cũng bỏ phiếu tín nhiệm cho chính mình.
Bình luận (0)