Sáng 14-6, Quốc hội (QH) đã thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 66/2006/QH 11 của QH về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư.
Ông Lê Quang Bình: Ủy ban Quốc phòng-An ninh vừa phát hiện một công trình thủy điện nằm trên khu vực chưa phân giới cắm mốc, chưa ký hiệp định về biên giới. Ảnh: TTXVN
Vẫn còn đổ máu vì rừng
Từ số liệu do ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của QH, đưa ra có 18 địa phương trong cả nước chủ trương cho nhà đầu tư nước ngoài thuê gần 400.000 ha rừng nên khi chất vấn Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát, nhiều đại biểu (ĐB) QH cho rằng cần thay đổi ngay một số điều còn hạn chế của Nghị quyết 66 để khắc phục.
Vì vậy, ông Lê Quang Bình đề nghị cần bổ sung cụ thể hóa tiêu chí dự án công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh. Theo ông, vấn đề này, Nghị quyết 66 đã đề cập nhưng không có quy định cụ thể nên có một số dự án Chính phủ triển khai không báo cáo QH và Thường vụ QH.
Vừa qua, Ủy ban Quốc phòng - An ninh giám sát một đoạn biên giới, phát hiện một sân golf có casino và một công trình thủy điện nằm ngay đường biên giới quốc gia của hai nước. Trong đó, công trình thủy điện nằm trên khu vực chưa phân giới cắm mốc, chưa ký hiệp định về biên giới. Sau đó, Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị Chính phủ dừng nhà máy thủy điện, Chính phủ dừng nhưng dừng vì lý do hiệu quả kinh tế, không đề cập quốc phòng - an ninh.
Từ thực tế này, ông Lê Quang Bình đề nghị cần quy định rõ dự án công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng - an ninh là “dự án nằm trên đường biên giới quốc gia mà có ảnh hưởng đến quan hệ hai nước” phải trình QH.
ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nhận xét vấn đề bảo vệ rừng tuy được quy định rất chặt trong Nghị quyết 66 nhưng vẫn còn kẽ hở. Đó là không quy định việc chuyển đổi từ rừng đặc dụng hoặc rừng phòng hộ sang rừng sản xuất phải trình QH. Kẽ hở này đã làm mất hàng chục ngàn hecta rừng.
Dự thảo lần này lại “mở thêm” kẽ hở khác bằng quy định đối tượng dự án trồng rừng sản xuất trên 1.000 ha phải báo cáo QH nhưng loại trừ trồng rừng cao su. ĐB Nguyễn Đình Xuân đề nghị QH nên “bít” kín kẽ hở này vì hiện nay, giữ rừng là trận tuyến rất ác liệt, lực lượng giữ rừng đã phải đổ máu.
“Dự thảo là một bước lùi so với Nghị quyết 66” - ĐB Ngô Minh Hồng (TPHCM) nhận xét. Vì theo Nghị quyết 66, lấy 1 ha hoặc 1 m2 rừng quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên cũng phải xin ý kiến QH, còn dự thảo lần này tăng lên 200 hecta. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Ngô Văn Hùng (Lào Cai) lo ngại: Chuyển đổi 200 ha rừng tự nhiên, rừng quốc gia mới phải xin ý kiến QH thì chỉ một thời gian nữa, chúng ta sẽ hết rừng.
Tránh xé nhỏ dự án
ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nhấn mạnh cần bổ sung quy định chặt chẽ về các công trình liên kết. Bởi theo ĐB này, đối với dự án các nhà máy bauxite ở Tây Nguyên, cơ quan đề xuất cho rằng đây là những công trình riêng rẽ, không phải cụm công trình liên kết chặt chẽ. Hoặc khi xây dựng cảng Kê Gà và đường sắt từ Tây Nguyên xuống cảng Kê Gà, Chính phủ cũng nói đây là đường sắt và cảng dân sinh không tính vào cụm công trình. Nếu có quy định chặt chẽ, khi thảo luận mới có cơ sở và không tranh cãi.
ĐB Trần Đình Nhã (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng đồng ý làm rõ điểm này vì đối với dự án quy hoạch thủ đô mở rộng, nhà đầu tư có thể chia nhỏ thành các dự án thành phần để không phải trình QH thông qua.
Chiều cùng ngày, QH thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Hôm nay (15-6), QH cho ý kiến về quy hoạch thủ đô mở rộng và dự thảo Luật Viên chức.
Lấy ý kiến về đường sắt cao tốc
Ngày 14-6, QH đã gửi phiếu lấy ý kiến của các ĐB về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TPHCM. Phiếu lấy ý kiến đưa ra hai lựa chọn: Hoặc tán thành thông qua nghị quyết về chủ trương và lộ trình như tờ dự kiến của Chính phủ hoặc chưa thông qua nghị quyết lần này mà giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu thông qua vào kỳ họp sau.
Trong trường hợp đồng ý thông qua nghị quyết tại kỳ họp này, ĐBQH cũng có thể chọn hai phương án. Thứ nhất, thông qua như tờ trình của Chính phủ là làm toàn tuyến. Thứ hai, chỉ tán thành chủ trương nhưng lùi thời gian khởi công xây dựng để chọn một lộ trình phù hợp, giao Chính phủ chỉ đạo cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn về các điều kiện bảo đảm tính khả thi của dự án.
Trên cơ sở đó lập dự án đầu tư (dự án khả thi) một trong hai đoạn tuyến hoặc Hà Nội - Vinh hoặc TPHCM - Nha Trang để trình QH xem xét quyết định chủ trương xây một trong hai tuyến và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020.
Dự kiến, QH sẽ bỏ phiếu cho nghị quyết về chương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc vào ngày bế mạc 19-6.
P. Dương |
Bình luận (0)