Từ vụ Trịnh Xuân Thanh cho thấy một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, tham nhũng, vô nguyên tắc... Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời làm mất uy tín của Đảng trong vai trò lãnh đạo. Vấn đề ở đây là việc phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm còn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là việc xử lý vi phạm còn chưa rõ ràng, minh bạch.
Cũng từ vụ Trịnh Xuân Thanh cho thấy thực tế "phũ phàng" rằng dù được xem là "lá chắn" trực tiếp bảo vệ đất nước nhưng lực lượng công an hiện nay gặp không ít khó khăn từ chính các quy định của pháp luật. Chẳng hạn, Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 7-7-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng nêu rõ công an không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên. Từ đó biết bao sai phạm bị dư luận lên tiếng nhưng vì phải làm đúng "trình tự, thủ tục" nên vô tình bỏ lọt tội phạm..
Thiết nghĩ, cơ quan lập pháp cần phải ban hành những dự luật mới, phù hợp để Bộ Công an sớm có cơ sở pháp lý ngăn chặn kịp thời những vụ việc tiêu cực trong hệ thống cán bộ, công chức, viên chức; không để những "lỗ hổng" trong hệ thống pháp luật trở thành "kẽ hở" cho những thành phần tham nhũng trục lợi bất chính, bào mòn đất nước.
Bình luận (0)