Thiệt vì “đi trước lộ trình”
ĐB Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) đi thẳng vào vấn đề: “Các nước giàu hiện vẫn có chính sách trợ cấp nông nghiệp, còn ta là nước nông nghiệp lại giảm thuế nhập khẩu thực phẩm trước lộ trình 4 năm để kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này vừa qua lên tới 2 tỉ USD, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Chính sách này dựa trên cơ sở khoa học nào, có tính toán hậu quả không? Ai là người chịu trách nhiệm và bộ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này?”. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định: “Không có chuyện nhập khẩu 2 tỉ USD”, số liệu thống kê từ hải quan cho thấy 10 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu thực phẩm chỉ đạt 176.064 USD. Trong đó 70% cánh, đùi và chân gà – hàng hóa được cho là phụ phẩm. Chốt lại ảnh hưởng của việc giảm thuế đến người chăn nuôi gia súc gia cầm trong nước, ông Ninh cho rằng, “chính là do giá trong nước quá cao”, thịt gà nhập khẩu tính cả thuế vẫn rẻ hơn giá thịt gà trong nước từ 30.000 – 50.000 đồng/kg do công nghệ, năng suất ngành chăn nuôi có vấn đề.
Xăng dầu đâu phải “hộp đen”
Trước các câu hỏi vì sao giá xăng dầu trong nước chưa giảm tương ứng với giá dầu thô thế giới, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh lập luận về độ trễ của giá xăng trong nước, về căn cứ tính giá, về trách nhiệm dự trữ nguồn... rồi mới thừa nhận đúng là chưa giảm ngay. ĐB Nguyễn Thị Mai không hài lòng với câu trả lời của bộ trưởng: Giá đầu vào của mặt hàng xăng dầu còn là “hộp đen”, hy vọng Bộ trưởng giải mã được “hộp đen” đó. Lúc này, bộ trưởng Vũ Văn Ninh mới trả lời cụ thể: Điều hành giá xăng theo cơ chế thị trường có định hướng XHCN như thực tế vừa qua là đúng hướng, nhưng cần có cơ chế giám sát, quản lý. Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng cơ sở tính toán, công bố mức thuế hợp lý với từng mức giá dầu thô nhập khẩu. ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) hỏi thẳng: Báo chí nói kinh doanh xăng dầu đạt siêu lợi nhuận, trong khi thông tin lỗ lãi của các doanh nghiệp rất khác nhau. Đề nghị bộ trưởng công khai việc kinh doanh xăng dầu hiện nay, quyền lợi người tiêu dùng đã được bảo vệ hay chưa? Bộ trưởng Vũ Văn Ninh lại giải thích, căn cứ tính giá xăng dầu phải lấy giá trung bình lưu thông 30 ngày. Một số tờ báo lấy giá của ngày hôm đó trừ chi phí để tính giá là hoàn toàn không chính xác, nhưng bộ trưởng không đề cập đến vế thứ hai của câu hỏi.
Điều hành giá còn lúng túng
Lo ngại về khả năng lạm phát quay trở lại vào cuối năm khi toàn bộ vốn chi đầu tư phát triển đều dồn vào quý IV, trùng với thời điểm một lượng kiều hối lớn chảy về, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đề nghị bộ trưởng cho biết hướng xử lý trước hiện tượng tăng cung tiền này. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận hai năm nay luôn có hiện tượng vốn chờ giải ngân vào cuối năm, do khó khăn trong thủ tục đầu tư, cộng với trượt giá nguyên vật liệu. Năm nay, Bộ Tài chính có cơ chế cho lùi thanh toán sang quý I/2009 để tránh thời điểm nhạy cảm. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định sau năm 2007, bội chi không còn đồng nghĩa với lạm phát vì VN chấm dứt phát hành tiền theo bội chi.
Bình luận (0)