xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần hành động mạnh mẽ từ Chính phủ

NHÓM PHÓNG VIÊN

Cử tri TP HCM tha thiết được thấy những hành động chống tham nhũng quyết liệt từ lãnh đạo Đảng và Chính phủ

Ngày 3-12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải và Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã tiếp xúc cử tri tại TP HCM, Quảng Nam, Đà Nẵng sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Niềm tin của dân bị tổn thương

Dẫn đầu tổ đại biểu số 1, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐHQH) TP HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp tục lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của cử tri quận 4.

Nhiều cử tri cho rằng việc Trung Quốc tuyên bố vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông và điều động tàu sân bay Liêu Ninh xuống biển Đông là động thái leo thang mới trong tranh chấp, xâm lấn chủ quyền của các nước lân cận. Nếu Trung Quốc tuyên bố vùng nhận diện phòng không đối xứng với “đường lưỡi bò” 9 đoạn hiện nay (điều mà quốc tế không thừa nhận) thì rất nguy hiểm đến vấn đề an ninh lãnh thổ của nước ta.

“Chúng tôi thiết nghĩ cần có động thái chuẩn bị để bảo vệ vùng trời, vùng biển và hải đảo. Chúng ta mềm mỏng ngoại giao nhưng cũng cần sẵn sàng đáp trả nếu có sự xâm lược an ninh chủ quyền của Tổ quốc” - cử tri Nguyễn Vinh Ngọc (ngụ phường 4, quận 4) đề nghị.
img
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 4, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Lo lắng tình trạng tham nhũng kéo dài, ngày càng đục khoét gây nguy hại cho quốc gia, nhiều cử tri tha thiết được nhìn thấy những hành động chống tham nhũng mạnh mẽ từ lãnh đạo Đảng và Chính phủ. Cử tri Phan Bạch Tuyết (ngụ phường 4) cho rằng chống tham nhũng chưa đạt kết quả đáng kể. Các tập đoàn nhà nước gây thất thoát hàng tỉ đồng trong khi nước ta còn nghèo, phải đi vay mượn nguồn vốn từ nước ngoài. Để thất thoát, lãng phí như vậy là có tội rất lớn với dân. “Người dân chúng tôi đau lòng lắm. Lòng tin của người dân đang bị tổn thương” - bà Tuyết bày tỏ.

Ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM, tâm sự ông cũng trăn trở cùng cử tri nhưng muốn nói ai tham nhũng thì phải có bằng chứng cụ thể, không thể nói suông. Theo ông Lịch, cần đổi mới thể chế pháp luật, đừng để lỗ hổng quá nhiều tạo cơ hội tham nhũng.

Cũng đề cập công tác phòng chống tham nhũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết thời gian qua, Trung ương đã tổ chức 8 đoàn kiểm tra, phối hợp với các địa phương phát hiện 60 vụ tham nhũng và sẽ tiếp tục điều tra xử lý. Tuy nhiên, số lượng vụ việc chưa nhiều nên trong giai đoạn tới sẽ phải làm kiên quyết hơn.

Chủ tịch nước mong rằng cử tri theo dõi, tiếp tục phát huy quyền chất vấn để mọi việc phải công khai, minh bạch. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Những chỗ úp mở, không rõ ràng chính là nơi để chứa chấp tham nhũng, tiêu cực. Những vụ xét xử tiếp theo phải nghiêm minh, đúng pháp luật.

Xả lũ chết người: Phải đền bù, truy cứu

Thủy điện xả lũ gây chết người là vấn đề nóng được nhiều người dân quan tâm tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Nông Sơn và Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cử tri huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng của Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh.

Cử tri Phạm Văn Sơn (ngụ xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) cho rằng thủy điện xả lũ quá lớn trong thời gian ngắn đã làm 2 bên bờ sông Thu Bồn (đoạn qua thôn Cà Tang đến Trung Phước) sạt lở nghiêm trọng. Ông Sơn kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để xây dựng kiên cố các đoạn kè nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở. Trong khi đó, nhiều cử tri khác còn đề nghị Chính phủ hỗ trợ người dân vùng hạ du xây nhà chống lũ.

Tiếp thu những kiến nghị, phản ánh của cử tri, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những vấn đề trong tầm tay của địa phương thì nên giải quyết ngay cho người dân. Ngoài ra, Phó Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Nam sớm kiểm tra các kiến nghị của cử tri để kịp thời giải quyết.

Trả lời băn khoăn của nhiều cử tri huyện Hòa Vang, ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định việc thủy điện xả lũ dẫn đến chết người thì phải đền bù, thậm chí phải truy cứu trách nhiệm hình sự bởi thủy điện làm lợi thì hưởng, còn thiệt hại người dân lại chịu.

Giám sát Hiến pháp khi vào cuộc sống

Chiều cùng ngày, ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP HCM, đã tiếp xúc cử tri quận 11. Nhiều cử tri đề nghị QH đầu tư cho lĩnh vực giáo dục cũng như có hành động cụ thể để đối phó với tình hình biến đổi khí hậu.

Ông Lê Thanh Hải nhất trí cao với ý kiến cử tri nêu lên vì đây đều là những vấn đề rất xác đáng, bức xúc của dân mà chính quyền, Đảng bộ TP HCM phải tiếp thu, có chương trình hành động cụ thể.

Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải nhấn mạnh Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có ý nghĩa lịch sử, phù hợp với ý Đảng, lòng dân nên đồng tình cao với ý kiến cử tri là Chính phủ sớm đưa những nội dung của Hiến pháp đi vào cuộc sống. Đồng thời, sớm cụ thể hóa Hiến pháp bằng luật, pháp lệnh và quan trọng hơn, các cơ quan công quyền sớm giám sát khi các nội dung Hiến pháp đi vào cuộc sống.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo