Một thông tư sẽ có hiệu lực vào ngày 16-12 tới với những hướng dẫn cụ thể về kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ được kỳ vọng sẽ làm tăng hiệu quả thi hành luật. Đặc biệt, thông tư có thể giúp cho việc kê khai không còn mang tiếng là việc làm chiếu lệ, hình thức mà trở thành một biện pháp thiết thực hơn cho phép phát hiện tham nhũng hoặc ít ra là dấu vết của tham nhũng.
Đúng là so với trước đây, người có nghĩa vụ kê khai được đòi hỏi nhiều hơn về những nội dung cần kê khai. Bản kê khai cũng dần thoát khỏi chế độ quản lý dành cho tài liệu mật và có thể được xã hội tiếp cận, dù vẫn còn nhiều trở ngại, rào cản. Việc xác minh để đánh giá tính xác thực của bản kê khai, tính trung thực của người khai bắt đầu được ghi nhận như là một trong những manh mối ban đầu để phát hiện tham nhũng...
Tuy nhiên, những vấn đề cơ bản đặt ra trong khuôn khổ phòng chống tham nhũng liên quan đến minh bạch tài sản, theo kinh nghiệm của các nước, vẫn chưa được đặt ra và giải quyết thấu đáo trên bình diện pháp lý.
Thông thường, chẳng ai tham nhũng mà cứ đường hoàng khoe của theo kiểu “lạy ông tôi ở bụi này”. Để tránh bị phát hiện, quan tham có xu hướng che giấu tài sản bất minh có được bằng cách chuyển giao tài sản cho người thân thuộc, thân cận nắm giữ. Đáng lý ra, không chỉ người nắm giữ chức vụ công mà cả vợ hoặc chồng, cha, mẹ và con của người đó cũng phải kê khai tài sản, thu nhập của bản thân. Nếu chỉ áp đặt nghĩa vụ kê khai đối với người nắm chức vụ, quan tham chỉ cần giữ lại một ít tài sản cần thiết cho cuộc sống hằng ngày, còn lại để cho người thân quản lý, là khỏe; khi nào về hưu thì lấy lại, không muộn!
Điều quan trọng nữa mà luật hiện hành chưa làm được là phải xác định rõ ý nghĩa, giá trị pháp lý của bản kê khai và phải xây dựng những quy định cần thiết để biến bản kê khai thành một vũ khí lợi hại chống tham nhũng, như trong luật pháp của các nước. Bản khai tài sản, theo lý thuyết, do người có nghĩa vụ kê khai tự soạn thảo. Đó trước hết là phương tiện giao tiếp để người khai giới thiệu về hoàn cảnh sống và đặc biệt là tình hình tài sản, thu nhập của mình. Đó cũng có thể được coi là lời cam đoan bằng danh dự của người khai trước xã hội về sự trong sạch, liêm chính của mình. Nếu sau này có ai đó chứng minh được rằng người khai đã khai không đúng sự thật thì lời cam đoan trở nên vô giá trị và người khai phải đối mặt với những cáo buộc không thể phủ nhận.
Nói rõ hơn, luật cần khẳng định bản khai là căn cứ để xác định liệu người khai có hay không có hành vi tham nhũng. Chẳng hạn, trong trường hợp có bằng chứng thuyết phục cho thấy có những tài sản thuộc về người khai nhưng đã không được ghi nhận trong bản khai thì tài sản liên quan đương nhiên bị coi là bất minh. Cũng bị coi là bất minh những tài sản dù được khai nhưng nguồn gốc tài sản bị người khai cố tình làm sai lệch. Người nắm giữ tài sản bất minh đương nhiên bị buộc tội tham nhũng và bị chế tài theo tội danh đó dù xã hội, cơ quan chức năng có thể không có điều kiện để làm rõ hành vi tham nhũng cụ thể của người này trong không gian và thời gian.
Bình luận (0)