Ngày 6-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa.
Mâu thuẫn với nhiều luật
Thẩm tra sơ bộ dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ủng hộ sự cần thiết của luật song cho biết ngày 29-9, ủy ban này mới nhận được hồ sơ trình dự án luật do Chính phủ gửi đến, chậm 15 ngày so với quy định.
Tại cuộc họp, các ý kiến phát biểu đều đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa nhưng băn khoăn dự luật “đụng chạm” đến quá nhiều luật và quy định pháp luật khác, thậm chí vi phạm quy định về chống trợ cấp, chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu ra 4 vấn đề của dự luật. Cụ thể, Bộ Tư pháp cho rằng hầu hết các vướng mắc, bất cập trong hỗ trợ phát triển DN nằm ở khâu triển khai thực hiện chứ không phải do thiếu cơ chế, chính sách. Do đó, Chính phủ chỉ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 56 mà không cần thiết ban hành luật này. Bộ Tài chính thì bác bỏ các điều khoản liên quan đến hỗ trợ về thuế. Ngân hàng Nhà nước đề nghị bỏ các quy định hỗ trợ thông qua việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ. Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, nếu áp dụng các quy định như dự thảo luật thì có thể bị các nước thành viên kiện ra WTO…
Ông Phùng Quốc Hiển cũng nêu báo cáo đánh giá tác động của luật rất “lạc quan” như đến năm 2020 sẽ đạt 1 triệu DN vừa và nhỏ. Như vậy, mỗi năm tăng 130.000 DN, mỗi DN nộp ngân sách trung bình 500 triệu đồng thì sẽ tăng thu cho ngân sách 260.500 tỉ đồng/năm.
“Sau 30 năm đổi mới, cả nước chỉ có 480.000 DN đăng ký nhưng thực tế chỉ có 45% đang hoạt động. Trong đó, không ít DN “ma”, DN “kiểng” đăng ký thuế, mua hóa đơn để kinh doanh, rút tiền của ngân sách… Nay đặt mục tiêu 1 triệu DN e có lạc quan, phấn khởi quá không? Rồi áp dụng các điều khoản hỗ trợ, ngân sách có thể bị “ăn vào” 20.000 tỉ đồng” - ông Hiển nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch QH, về đề xuất DN nhỏ và vừa được tổ chức tín dụng cho vay 100% tài sản thế chấp sẽ gây mất bình đẳng với đối tượng khác. Đáng ngại hơn, khi có luật sẽ dễ nảy sinh tiêu cực như “chạy”, chung chi để cán bộ xác nhận hạ cấp xuống DN nhỏ và vừa để được hỗ trợ.
Cần thiết ban hành luật
Giải trình băn khoăn về tính khả thi của luật mà một số thành viên UBTVQH đặt ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng (đại diện cơ quan soạn thảo) cam kết các điều khoản quy định của dự luật không mâu thuẫn với các cam kết, điều ước hội nhập. Còn Nghị định 56 về trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa chỉ mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể... nên hiệu lực thực thi chưa cao, dẫn đến việc hỗ trợ DN kém hiệu quả nên cần có luật hóa.
Nhận trách nhiệm về sự chậm trễ trình dự án luật song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói thẳng là do các bộ, ngành thiếu trách nhiệm. Theo ông Dũng, Bộ KH-ĐT thành lập ban soạn thảo, mời các bộ, ngành liên quan tham gia nhưng đều cử không đúng thành phần, nay cử người này, mai cử người khác. Tham dự các cuộc họp góp ý thì hầu hết đại diện các bộ chỉ “soi” xem có ảnh hưởng gì tới bộ mình hay không, chứ không mang tư tưởng “đây là vấn đề lớn của đất nước, nhu cầu bức xúc của cộng đồng DN”.
“Do các bộ, ngành không đến nơi đến chốn, thiếu trách nhiệm nên khi hoàn tất dự thảo cũng không có ai góp ý, phải đẩy lên Thủ tướng, Chính phủ, phó thủ tướng họp rất nhiều cuộc để ra được bản dự thảo cuối cùng trình lên UBTVQH hôm nay (ngày 6-10 - PV)” - ông Dũng nói.
Mặc dù còn nhiều ý kiến băn khoăn về một số điều khoản, quy định nhưng Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định các thành viên UBTVQH đã ủng hộ Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Mặt khác, việc ban hành luật này hết sức cần thiết. Vấn đề là sẽ xây dựng luật cụ thể như thế nào; nhất là quan hệ giữa luật này với các luật khác, quan hệ với các điều ước, tổ chức quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển khẳng định UBTVQH thống nhất cần hỗ trợ DN nhỏ và vừa thông qua sự điều chỉnh của luật, đồng thời đề nghị ban soạn thảo hoàn thiện hồ sơ dự án luật đúng văn bản quy phạm pháp luật; rà soát lại về phạm vi điều chỉnh; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và nguyên tắc thị trường.
“Báo chí quốc tế suy diễn sai...”
Cùng ngày, UBTVQH cũng cho ý kiến dự kiến chương trình, kỳ họp QH thứ 2 sẽ khai mạc vào ngày 20-10, bế mạc ngày 19-11. Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét thông qua 4 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết; nghe báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa, bài học kinh nghiệm và các giải pháp để bảo vệ môi trường; báo cáo về tình hình biển Đông…
Đáng chú ý, TPP sẽ không được đưa vào chương trình kỳ họp thứ 2 do thiếu thủ tục. Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết nguyên nhân do Chủ tịch nước chưa gửi tờ trình về phê chuẩn TPP tới UBTVQH nên nội dung này sẽ chưa được đưa vào chương trình kỳ họp.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định về nguyên tắc, khi nào Chủ tịch nước trình và cơ quan thẩm tra bảo đảm đủ điều kiện thì đưa vào chương trình kỳ họp nhưng cho tới nay, chưa có cơ sở để đưa TPP vào chương trình kỳ họp. “Báo chí quốc tế suy diễn sai khi giật tít là QH Việt Nam từ chối phê chuẩn TPP và không đưa vào kỳ họp lần này, gây bất lợi lớn cho Việt Nam” - bà Ngân nhấn mạnh.
Bình luận (0)