Sáng 16-6, tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội phối hợp với dự án Quản lý nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID GIG) tổ chức hội nghị Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động đối với Việt Nam. Theo kế hoạch, hội nghị sẽ có 7 phiên làm việc và kết thúc ngày 18-6. Hội nghị này là sự tiếp nối của hội nghị được tổ chức vào tháng 3-2016 tại Vĩnh Phúc với chủ đề “Hiệp định TPP và Việt Nam: Từ phê chuẩn đến thực hiện”.
Thông tin toàn diện
Mục đích của hội nghị lần này nhằm cung cấp thông tin toàn diện nội dung Hiệp định TPP; phân tích các cam kết của Việt Nam trong hiệp định trên một số lĩnh vực cụ thể, khoảng cách pháp lý và phương án sửa đổi pháp luật để phù hợp với các quy định của TPP; đánh giá về sự chuẩn bị của doanh nghiệp (DN) nhằm thực thi hiệp định; trao đổi thêm về vai trò của Quốc hội trong phê chuẩn, giám sát thực hiện và các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế để thực thi Hiệp định TPP nhằm có những cải cách phù hợp trong hệ thống pháp luật, có tham chiếu đến quá trình phê chuẩn tại Mỹ.
Bên cạnh các thông tin tổng quan về Hiệp định TPP, hội nghị sẽ tập trung vào các chương và các vấn đề cụ thể như lao động, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp kiểm dịch động - thực vật... Tiếp theo hội nghị này, một số hội nghị kỹ thuật khác sẽ được tổ chức để rà soát các vấn đề của Hiệp định TPP chưa được thảo luận.
Tại phiên khai mạc, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, đánh giá sự kiện ký kết Hiệp định TPP là mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đồng thời, đánh dấu bước trưởng thành của Việt Nam trong đàm phán gia nhập các tổ chức, liên minh quốc tế.
Theo ông Hiển, việc gia nhập TPP đặt ra nhiều thách thức, khó khăn khi nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, năng lực cạnh tranh của DN còn yếu. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện những biện pháp hữu hiệu trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hạn chế thấp nhất những rủi ro, khó khăn trong quá trình gia nhập TPP.
Các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Quốc hội, cần tăng cường nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách hội nhập quốc tế mà Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra. Với thẩm quyền phê chuẩn các điều ước quốc tế, Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm khung pháp lý để thực thi những cam kết khi Việt Nam gia nhập TPP.
Rút ngắn khoảng cách pháp lý
Ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, cho rằng cần rà soát lại những khoảng cách về pháp lý, đề ra thể chế, pháp luật khi Việt Nam tham gia TPP nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỉ USD vào năm 2020 và 33,5 tỉ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỉ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, nhiều mặt hàng như nông sản có thế mạnh thì sức ép cạnh tranh sẽ khá lớn khi thuế đưa về bằng 0%. Một số sản phẩm công nghiệp mà bạn hàng TPP có thế mạnh có thể gây khó khăn cho sản xuất của Việt Nam như giấy, thép, ô tô…
Việc cạnh tranh tăng lên khi tham gia TPP có thể làm một số DN - trước hết là các DN dựa vào sự bao cấp của nhà nước, có công nghệ sản xuất lạc hậu - sẽ rơi vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là thất nghiệp trong một bộ phận lao động. Tuy nhiên, sự tác động trên là không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn.
Cũng qua kết quả rà soát, để hạn chế khoảng cách pháp lý về lao động trong TPP và luật pháp Việt Nam thì Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung 43 điều trong Bộ Luật Lao động; 12 nghị định cần phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới; ngoài ra cũng cần cải cách thể chế để đáp ứng yêu cầu TPP như cải cách về pháp luật lao động; cải cách bộ máy tổ chức về lao động và nâng cao năng lực thực thi pháp luật lao động.
Bình luận (0)