xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần làm rõ chuyện ép cung

THẾ KHA

Luật quy định trách nhiệm của cơ quan điều tra là làm rõ cả những chứng cứ xác định vô tội nhưng hiện mới chỉ quan tâm tới chứng cứ buộc tội, phương án vô tội không được quan tâm

Quốc hội (QH) đã dành cả ngày 7-11 để thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của VKSND Tối cao và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013. Cuối giờ thảo luận buổi chiều, đại biểu (ĐB) Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, đã làm “nóng” hội trường với những phát biểu thẳng thắn xung quanh vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn phạm tội “Giết người” xảy ra tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. “Ai xem phóng sự về vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn trên truyền hình cũng đều rơi nước mắt” - ông Cường nhấn mạnh.

Xác định rõ trách nhiệm

Ông Cường nhìn nhận vụ kết án oan sai này nghiêm trọng ở chỗ làm mất lòng tin của xã hội đối với hệ thống cơ quan tư pháp. “Qua vụ việc này, cần nhìn nhận lại hoạt động tư pháp để rút ra những bài học kinh nghiệm đắt giá” - ông Cường đề nghị. Ông bày tỏ sự đồng tình với phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang rằng các quy định của pháp luật hiện nay khá chặt chẽ, cụ thể; nếu xảy ra oai sai cần phải xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan.
 
img
Các đại biểu trao đổi bên ngoài hội trường ngày 7-11 Ảnh: HOÀNG BẮC

Đáng lo ngại, theo ông Cường, Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định rõ trách nhiệm của cơ quan điều tra là làm rõ cả những chứng cứ xác định vô tội nhưng “hiện mới chỉ quan tâm tới chứng cứ buộc tội, phương án vô tội không được quan tâm”. “Không thể nói hành động vừa qua của VKSND Tối cao là dũng cảm. Bởi lẽ, đã phát hiện oan sai thì phải ra quyết định kháng nghị” - ông Cường băn khoăn.

Ông Cường đặt vấn đề: “Yếu tố ép cung cần làm rõ xem có phải cá biệt hay không. Trách nhiệm của VKSND trong vụ này như thế nào? Kiểm sát kỹ chưa? Tôi cho rằng nếu làm hết trách nhiệm của mình thì không có chuyện ép cung lớn như vậy”.

Theo ông Cường, luật hiện hành quy định rõ luật sư được tham gia từ khi tạm giữ, khởi tố bị can nhưng thực tế, việc tạo điều kiện cho luật sư tham gia từ khi bắt đầu tố tụng là chưa thực thi. Vai trò bình đẳng, tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của luật sư có được đại diện VKSND chú ý, chấp thuận hay không thì vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến oan sai.

Cùng vấn đề này, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) bày tỏ: “Dù 100 năm mà chúng ta sai thì vẫn phải sửa. Phải lấy lại lòng tin của nhân dân”.

Theo ĐB Bùi Thị An (Hà Nội), vụ oan sai của ông Chấn đang được dư luận rất quan tâm nên các cơ quan tư pháp cần xử lý theo hướng càng công khai càng tốt.

Xem xét đến cùng

Được Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị trả lời, ông Trương Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao, cho biết Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã xem xét kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao một cách thận trọng, khách quan, toàn diện; đồng thời nhận thấy kháng nghị phù hợp với các quy định của pháp luật nên đã ra quyết định hủy án sơ thẩm và phúc thẩm, đề nghị điều tra lại từ đầu vụ án này.

Nhìn nhận vụ án này đang gây ra nhiều tranh luận trong và ngoài QH, ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao, cho biết: “Có ý kiến đặt vấn đề tại sao lại kháng nghị tái thẩm mà không phải kháng nghị giám đốc thẩm, coi đó như trách nhiệm trốn tránh của cơ quan thi hành pháp luật. Song, tôi khẳng định kết quả cuối cùng là như nhau, chỉ khác là điều kiện. Bởi lẽ, VKSND Tối cao kháng nghị tái thẩm là do xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi vụ án. Cụ thể, sau khi nhận đơn tố giác và được vận động thì đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú. Có nhiều ý kiến băn khoăn liệu việc đó có làm giảm trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng không? Tôi khẳng định là không”.

Đề nghị tiếp tục tử hình bằng xử bắn

Theo ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), đã có 9 người viết đơn xin sớm thi hành án, xin được chết nhưng chưa được giải quyết. Qua tiếp xúc cử tri, nhiều người đặt vấn đề về tính nghiêm minh của pháp luật.

Tham gia giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết đến thời điểm này, đã có 7 bị án được thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc. Tuy nhiên, vẫn còn 678 bị án đang chờ được thi hành án tử hình, trong đó có 167 bị án đã đủ điều kiện để thi hành (Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá). Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Y tế chủ động trong việc sản xuất, cung cấp nguồn thuốc để thi hành án nhưng việc này vẫn diễn ra rất chậm, gây áp lực không nhỏ cho các cơ sở giam giữ.

“Bộ Công an đề nghị QH cho phép song song thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc với hình thức tử hình bằng xử bắn đến hết năm 2015. Sau này, khi sửa Luật Thi hành án tử hình cũng mong QH bỏ từ “độc” mà chỉ giữ lại “thi hành án bằng tiêm thuốc” thôi là đủ và phù hợp” - ông Quang nói.

Cần rà soát lại các chương trình phòng chống tội phạm

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, cho rằng báo cáo của Chính phủ trong nhiều năm còn thiếu mục thống kê về vi phạm pháp luật của lực lượng cán bộ, công chức.

“Hằng năm, xử lý 14.000-15.000 tội phạm nhưng vi phạm trong đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ là bao nhiêu thì nhân dân không biết, QH không biết. Báo cáo thẩm tra hằng năm tôi phản ánh nhiều nhưng chưa được Chính phủ tiếp thu” - ông Quyền nói. Ông cho biết tình trạng vi phạm pháp luật gia tăng, cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Vì thế, đã đến lúc Chính phủ cần phải rà soát lại các chương trình phòng chống tội phạm.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo