Ảnh: THỐT NỐT
Ngậm ngùi lúa chất lượng cao
Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết diện tích gieo sạ vụ đông xuân năm nay, toàn vùng ĐBSCL xuống giống hơn 1,5 triệu ha, sản lượng gần 10,6 triệu tấn, năng suất gần 7 tấn/ha.
Theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT, nông dân chỉ nên trồng từ 10%-20% lúa chất lượng thấp, từ 60%-70% lúa chất lượng cao (CLC), 15% lúa đặc sản… Tuy nhiên, nông dân đã tập trung chuyển sang trồng lúa CLC nhưng doanh nghiệp (DN) lại thu mua với giá thấp, chỉ nhỉnh hơn lúa IR50404 từ 200-300 đồng/kg. Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Hiện nay, lúa CLC như Jasmine tại Kiên Giang khoảng 4.600 đồng/kg, toàn tỉnh tồn khoảng 600.000 tấn lúa CLC. Bà con đổ lỗi cho ngành nông nghiệp vì khuyến cáo họ trồng”.
Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, nguyên nhân lúa CLC có giá bán thấp vì các địa phương gieo sạ sớm và thu hoạch đồng loạt nên lượng cung ra thị trường lớn, khó tiêu thụ. “Tại Cần Thơ, cuối tháng 2-2012, lượng lúa CLC vào khoảng 300.000 tấn nhưng đến cùng thời điểm năm nay đã lên đến 600.000 tấn, cung vượt cầu nên giá bán thấp là điều dễ hiểu” - ông Quỳnh phân tích.
Đi ngược quy trình
Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, cho rằng một số DN trộn gạo IR50404 với gạo thơm nên chất lượng giảm, giá bán thấp. Vì vậy, trong đề án xây dựng thương hiệu, DN phải đăng ký với Bộ NN-PTNT bố trí vùng nguyên liệu để có sản phẩm đồng nhất xuất khẩu.
Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, năm 2012, Việt Nam xuất khẩu 7,6 triệu tấn gạo, cao nhất từ trước đến nay nhưng chất lượng gạo thấp, xuất thô, không có thương hiệu nên giá trị mang về thấp. “Đáng lẽ DN phải có thị trường trước, từ đó cân đối một năm kế hoạch xuất bao nhiêu rồi thu mua trong dân. Tuy nhiên, ngành lúa gạo Việt Nam đi ngược lại: nông dân cứ trồng, khi có nhu cầu thì DN mới mua” - TS Bảnh nói.
Phải bảo đảm lợi nhuận cho nông dân
Qua 4 năm Bộ NN-PTNT triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML), diện tích lúa trồng theo mô hình này vào khoảng 70.000 ha. Tuy nhiên, đây chỉ là con số quá nhỏ so với diện tích sản xuất lúa toàn vùng. Bên cạnh đó, các công ty lương thực tham gia chưa sâu vào việc thu mua lúa từ CĐML; sản lượng lúa làm ra từ CĐML đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nhưng DN không thu mua thì cũng không hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Truyền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, đề nghị: “Bộ NN-PTNT nên có chính sách phát triển CĐML trên diện rộng, đồng thời Chính phủ cần điều chỉnh Nghị định 109, khi DN tham gia xuất khẩu gạo phải có hợp đồng thu mua lúa từ CĐML nhằm bảo đảm lợi nhuận cho nông dân”.
Ông Lê Minh Trượng, Tổng Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, hoan nghênh việc DN tham gia vào CĐML. Ông Trượng đề nghị để DN bao tiêu sản phẩm cho CĐML, phải thực hiện từ từ vì nếu làm liền thì họ không có khả năng.
TS Lê Văn Bảnh cho rằng ngoài việc phải có nhà máy, kho trữ… khi tham gia xuất khẩu gạo, DN phải có vùng nguyên liệu 5.000 ha làm theo mô hình CĐML. “Việt Nam có hơn 100 DN tham gia xuất khẩu gạo, nếu áp dụng như trên sẽ có khoảng 500.000 ha diện tích CĐML. Nếu 1 ha cho năng suất 6 tấn thì mỗi vụ, ĐBSCL có 3 triệu tấn lúa đạt chuẩn, bảo đảm yêu cầu xuất khẩu” - TS Bảnh phân tích.
Bình luận (0)