“Nông nghiệp Việt Nam hiện như cơ thể con người khoác chiếc áo quá chật, cần phải được thay mới cho phù hợp”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu như vậy trong chuyến làm việc với các tỉnh trọng điểm sản xuất lúa gạo, cá tra ở ĐBSCL cách đây không lâu. Thủ tướng nêu rõ các tỉnh phải gấp rút xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. Mới đây, Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên hoàn thiện đề án này theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Không máy móc, chạy theo phong trào
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho biết một trong những mục tiêu quan trọng của đề án là tạo ra mô hình liên kết có thể áp dụng cho 2 mặt hàng chủ lực: lúa gạo và cá tra.
Trong sản xuất lúa gạo, Đồng Tháp chọn hướng đi mới phù hợp hơn: Áp dụng mô hình “cánh đồng liên kết” thay vì “cánh đồng mẫu lớn” mà An Giang đã và đang thực hiện. Với lựa chọn này, Đồng Tháp mong muốn gắn kết chặt chẽ nông dân với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hơn là quan tâm đến quy mô sản xuất lớn hay nhỏ. Nông dân tham gia mô hình sẽ biết được trồng cây gì, bán cho ai, bán ra sao; trong khi DN cũng không còn phải lo chuyện mua ở đâu, của ai và mua như thế nào.
Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết qua 2 năm triển khai thí điểm, hiện tỉnh đã thành công bước đầu với mô hình “cánh đồng liên kết”, được nông dân và DN tham gia tích cực và hiệu quả. Thế nhưng, mọi thứ vẫn còn phải được hoàn thiện dần, không để các địa phương áp dụng ồ ạt.
“Chúng tôi không mặc “đồng phục” cho tất cả các cánh đồng trong toàn tỉnh mà tùy thuộc tình hình của mỗi địa phương để có cách làm riêng cho phù hợp. Chúng tôi cũng sẽ kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết với thực tiễn chứ không làm một cách máy móc” - ông Hoan khẳng định.
Nông dân và doanh nghiệp đều lợi
Lãnh đạo Đồng Tháp cho biết để xây dựng đề án, tỉnh đã nhờ sự hỗ trợ tư vấn của các chuyên gia hàng đầu trong ngành nông nghiệp. Trong đó, nông dân và các DN là chủ thể của các mô hình liên kết và chắc chắn sẽ được lợi rất nhiều.
Theo số liệu từ Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có 38 HTX tham gia liên kết trên 61 cánh đồng với tổng diện tích 21.316 ha. Trong đó, phần đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các DN lên đến hơn 16.000 ha.
Trên các cánh đồng liên kết, nông dân được hỗ trợ chọn giống, gieo sạ, bón phân, phun thuốc... Nông dân có nhu cầu sử dụng vật tư sẽ được DN đầu tư 100% thuốc bảo vệ thực vật và 50% phân bón. Đến khi thu hoạch lúa, DN tổ chức phương tiện thu gom về các kho trữ mà không phải chịu chi phí 30 ngày để chờ giá.
Ông Huỳnh Văn Sang - thành viên HTX Nông nghiệp Phú Bình ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp - cho biết nhờ ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với Công ty TNHH XNK Võ Thị Thu Hà mà nông dân ở đây rất yên tâm sản xuất, không còn phải lo đầu ra cho hạt lúa. Nguồn thu nhập của nông dân cũng tăng lên đáng kể khi DN này thường mua lúa với giá cao hơn thị trường ít nhất 200 đồng/kg.
Theo ông Đoàn Văn Hiền, Giám đốc Công ty Võ Thị Thu Hà, từ năm 2011, DN này đã xây dựng 6 nhà máy chế biến gạo với công suất 2.500 tấn/ngày; thực hiện liên kết với nông dân trên nhiều cánh đồng ở thị xã Sa Đéc và huyện Lấp Vò. Ông Hiền cho biết lúa thu mua trong mô hình “cánh đồng liên kết” có chất lượng rất đồng đều nên việc chế biến, xuất khẩu cũng thuận lợi hơn.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho rằng cần phải loại bỏ dần khâu trung gian (thương lái) để tiến tới việc DN trực tiếp thu mua nông sản trong dân theo hợp đồng đặt hàng. Tiếp theo, DN sẽ lo cả đầu vào cho nông dân, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản. Bước cuối cùng là nông dân được tham gia cổ phần với DN để chia sẻ lợi ích trong chuỗi giá trị gia tăng ngành hàng.
Ông Lê Vĩnh Tân, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, tin tưởng rằng với đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ lột xác, gắn kết với việc xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội. “Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ phát sinh nhiều việc. Vấn đề cốt lõi vẫn là từng bước tháo gỡ khó khăn cho nông dân cũng như DN” - ông Tân nhấn mạnh.
Không nhất thiết phải là lúa GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng với mô hình liên kết, Đồng Tháp sẽ giúp nông dân thấy được đầu ra của sản phẩm để yên tâm sản xuất. Từ trước đến nay, các DN thường tập trung lo cho thương lái, ít quan tâm chia sẻ khó khăn của nông dân. “Theo tôi, Đồng Tháp cũng như các tỉnh, thành khác ở ĐBSCL không nhất thiết phải trồng toàn cây lúa. Đối với các vùng trũng thì nên trồng 2 vụ lúa, 1 vụ màu/năm hoặc ngược lại. Với các vùng đất cao hơn, có thể trồng bắp hoặc mì vì 2 loại cây trồng này có giá trị kinh tế cao hơn lúa gấp 4-5 lần và thị trường nội địa vẫn đang rất rộng lớn. Tuy nhiên, muốn nuôi hay trồng cây, con gì cũng phải xem xét trước về thị trường, đừng để làm ra sản phẩm rồi mới chạy đi tìm người mua thì rất dễ bị ép giá” - ông cảnh báo. |
Bình luận (0)