Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 42 km, nối từ nút giao Thân Cửu Nghĩa đến Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang) đã 2 lần khởi công nhưng từ đó đến nay vẫn ì ạch do địa phương mới bàn giao 12 km mặt bằng, 30 km còn lại thì việc áp giá đền bù cho dân chưa xong.
Công trường không bóng người
Dự án được Chính phủ phê duyệt theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư gần 15.000 tỉ đồng. Dự án khởi công lần 1 vào năm 2014 rồi để đó. Ngày 7-2-2015, dự án tiếp tục lễ khởi công lần 2 rồi cũng... để đó.
Trên công trường dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không có bóng dáng công nhân vào sáng 29-4.
Ảnh: MINH SƠN
Tại nút giao Thân Cửu Nghĩa sáng 29-4 đã có đặt bảng công bố thông tin công trình nhưng bỏ trống ngày thi công và thời gian hoàn thành. Theo đó, chủ đầu tư là Công ty CP BOT Mỹ Thuận và đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng hạ tầng CII. Cạnh bảng này có một nhà xưởng nhỏ và vài công nhân. Cạnh nhà xưởng chỉ có vài thiết bị thi công rất sơ sài. Tại điểm thi công này chỉ mới bơm cát được một đoạn ngắn vài trăm mét. Trên công trường không có bóng dáng công nhân, chỉ có một xe ban đất nằm lăn lóc. Đi sâu thêm vào mặt bằng 12 km đầu tiên, nhiều người dân cho biết chưa đồng ý giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Theo UBND tỉnh Tiền Giang, ở dự án này, nhiều hộ dân vẫn chưa đồng ý với giá đền bù và còn khiếu nại. Dự kiến đến tháng 6 mới bắt đầu chi trả tiền đền bù 30 km còn lại và đến tháng 9 mới có thể bàn giao hết mặt bằng cho dự án.
Tuy nhiên, đó chỉ mới là dự kiến vì rất nhiều hộ dân trong vùng ảnh hưởng của dự án cho biết đến nay vẫn chưa rõ bị thu hồi đất và đền bù như thế nào. Một người dân cho biết chỉ nghe nói đường cao tốc đã khởi công chứ mấy ông ở xã mới đến đo đạc đất, chưa biết giá cả thế nào thì làm sao nhận tiền. “Nghe nói mấy ổng khởi công đường cao tốc cả năm rồi mà sao chưa áp giá đất cho dân nữa” - người dân này đặt vấn đề.
“Nút thắt” giải phóng mặt bằng
Ông Đặng Trung Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), cho rằng khó khăn hiện nay của dự án chủ yếu nằm ở khâu giải phóng mặt bằng. Hiện việc bàn giao mặt bằng ở 5 gói thầu thi công trước đã đạt 95% nhưng do tỉnh Tiền Giang chỉ cho một đơn vị là Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường của tỉnh thực hiện đo đạc địa chính dẫn đến tiến độ chậm. Việc kiểm kê tài sản trên đất và công tác trình duyệt phương án giá đất bồi thường chậm đã làm ảnh hưởng đến việc áp giá, niêm yết công khai lấy ý kiến hộ dân, gây khó khăn đến các bước tiếp theo là chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hiện Tổng Công ty Cửu Long (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền) và Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đang tiếp tục yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ kiểm kê và trình duyệt phương án giá đất bồi thường.
Ngoài ra, một số khó khăn khác làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án nữa là các tuyến đường vận chuyển vật liệu vào vị trí thi công khó khăn. Cụ thể, một số tuyến đường có quy định hạn chế tải trọng qua các cầu yếu, đường sông cũng hạn chế chiều cao thông thuyền, tải trọng sà lan vận chuyển…
Cam kết bảo đảm tiến độ thi công
Kết quả kiểm tra của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông ở hiện trường dự án cho thấy tiến độ hiện đang rất chậm. Trong tất cả 7 gói thầu khởi công trước, hiện đếm được trên đầu ngón tay số nhân sự và các trang thiết bị đã tập kết. Theo ông Đặng Trung Thành, hiện nhà đầu tư dự án là Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cùng 6 thành viên đã góp vốn đầy đủ và đã được đánh giá năng lực tài chính. Dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 21-1. Hiện tiến độ triển khai rất chậm nhưng các nhà đầu tư vẫn cam kết bảo đảm thi công hoàn thành dự án và đưa vào khai thác cuối năm 2018 theo đúng kế hoạch.
Bình luận (0)