Chị Nguyễn Thị Nga, bán hàng trước cổng Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh), nói: “Mọi người thường qua đường như vậy đó. Đi cho nhanh, qua có một lát mà đi lên, đi xuống chi cho mất công”. Quả thật, đứng ở đây quan sát gần 1 giờ, giữa dòng xe cộ qua lại như mắc cửi, chúng tôi ghi nhận chỉ 2, 3 trường hợp sử dụng cầu vượt, còn lại thì “nào ta cùng băng đường”.
Tình trạng băng đường, leo dải phân cách, chê cầu vượt cũng diễn ra ở cầu vượt khu vực Bệnh viện Từ Dũ (quận 1), Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5), cầu Văn Thánh (đường Điện Biên Phủ, trước chợ Văn Thánh), cầu vượt ngang Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), các cầu vượt dọc tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt… Một người băng đường kéo theo nhiều người khác vì “người ta đi được, mình cũng đi thôi”.
Không chỉ chê đi cầu vượt mất thời gian, nhiều người cho biết đi lên xuống những bậc thang khiến nhiều người cảm thấy mệt và bất tiện, nhất là những người già, người tàn tật. Nhiều người già sợ xe cộ qua lại đông đúc nhưng đi đến chân cầu vượt, nhìn lên thấy bậc thang cao nên cũng ngại, đành quay lại nhờ những người trẻ dắt tay băng đường.
Theo Nghị định 71 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt từ 60.000 đồng đến 120.000 đồng. Tuy vậy, dường như không mấy người đi bộ bị xử phạt và cũng ít người biết về nghị định này. Việc cầu bộ hành có nhưng “chỉ để đó” là nguyên nhân gây ra nhiều mối nguy về tai nạn giao thông.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!