Liệt sĩ Mẫn Bá Phùng quê ở xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc, nay là thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh trong gia đình có 5 anh, chị em. Liệt sĩ Phùng là anh cả, ngoài ra còn có 3 em gái và 1 người em trai. Khi hy sinh vào ngày 30-2-1968, liệt sĩ Mẫn Bá Phùng là trung sĩ.
Tại nhà ông Tiện, chúng tôi cũng đã gặp ông Mẫn Bá Bộ, em họ của siệt sĩ Mẫn Bá Phùng, một trong những người đã vào tận Đắk Lắk để tìm mộ.
Ông Bộ kể: “Khi làm lễ, “cậu Thuỷ” khấn đại loại: “Quan âm Bồ tát, Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Ngọc Phật…., con là Nguyễn Thanh Thuý, nhà tâm linh, tức cậu Thuỷ. Sau đó, ông ấy cầm một nắm hương rồi đưa cho người nhà của liệt sĩ. Con trai thì tay trái, con gái thì tay phải, mỗi người rút 1 thẻ hương và cả một số nhân viên ngân hàng cũng làm như vậy. Rồi cậu Thủy phán: “Nếu như “vong” nhập vào ai thì vong sẽ dẫn đến nơi có hài cốt”.
Khi có người trong đoàn tìm kiếm như bị vong nhập thì cậu Thủy đến dỗ vong: Vong chết như thế nào thì bảo cậu để cậu đưa về với gia đình. Sau đó, vong đi cắm hương rồi cậu Thủy chỉ đạo mọi người dò 3-4 hố, mỗi hố rộng độ 4-5 mét vuông rồi đào tìm.
Sau khi đào được hơn 40 cm thì thấy di vật là cái bi đông chổng ngược, nắp một nơi. Sau đó, anh em ở Ngân hàng mới lấy lên. Khi rửa sạch thì thấy chữ “Mẫn Bá Phùng F7 Hà Bắc” - ông Bộ nói.
Theo ông Bộ, dòng họ “Mẫn Bá” chỉ có ở Trác Bút và đích thị là người thân của ông. “Khi có di vật như vậy thì chúng tôi tin ngay. Sau đó thì thấy hài cốt nhưng không còn gì nhiều nữa, xương đầu chỉ còn mùn; có chỗ thì có vài mẩu xương” - ông Bộ cho hay.
Gia đình và chính quyền địa phương quy tập hài cốt của anh tôi về chôn cất trong nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Chờ.
“Kể từ khi đưa anh tôi về đây, gia đình rất năng ra nghĩa trang liệt sĩ để hương khói, nhất là những dịp tiết Thanh minh, ngày giỗ và ngày thương binh liệt sĩ 27-7, coi như là bù đắp phần nào trong suốt hơn 40 năm anh ấy nằm lạnh lẽo giữa rừng sâu. Thế mà bây giờ cơ sự lại như thế này” - ông Tiện than thở.
“Bây giờ gia đình có nguyện vọng là cơ quan chức năng đưa hài cốt anh tôi đi xét nghiệm ADN. Nếu chính xác thì để đó, còn không thì phải di dời ra khỏi nghĩa trang, chứ không thể thờ cúng cái đống xương thú ấy được” - ông Tiện nói.
Cả thị trấn Chờ ngỡ ngàng khi hay tin “cậu Thủy” bị bắt. Việc “cậu Thủy” bị bắt khiến người dân nơi đây ngỡ ngàng cũng như việc giàu có nhanh một cách bất thường của “cậu” vậy. Theo nhiều người dân thôn Trác Bút, ngoài 2 ngôi nhà rất to ở huyện Yên Phong, “cậu Thủy” còn có một công ty sản xuất tôn và có nhiều lô đất ở khu đô thị mới ở thị trấn Chờ.
Được biết, Nguyễn Thanh Thúy (tức “cậu Thủy”, 54 tuổi, thường trú tại thôn Ân Phú, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du (Bắc Ninh), từng là công an. Tuy nhiên ông Thúy đã bị loại khỏi ngành vì lạm dụng chức vụ và lừa đảo. Năm 1996, “cậu Thủy” từng bị bắt và đi tù vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và tàng trữ vũ khí quân dụng; đến năm 2005 sau khi ra tù “cậu Thủy” hành nghề tìm mồ mả và bắt đầu nhận tìm mộ liệt sĩ. Tại thôn Trác Bút, “cậu Thủy” chỉ tạm trú và sinh sống cùng người vợ thứ hai (bà Mẫn Thị Duyên - PV).
Ông Nguyễn Văn Thảng - một người dân ở Trác Bút, cho biết gia đình “cậu Thuỷ” không qua lại thân tình với ai ở đây, họ cứ “thoắt ẩn, thoắt hiện”. Đi đâu hoặc về nhà đều nhanh chóng cửa đóng, then cài nên chẳng ai biết họ làm gì. Họ cũng không gây thù oán với ai trong làng. “Có điều, ai cũng thắc mắc chỉ mấy năm sau khi ra tù, chẳng biết bằng cách nào mà vợ chồng “cậu Thủy” lại giàu lên nhanh thế” - ông Thảng nói.
Bình luận (0)