Việt Nam hiện có hơn 620 cây di sản với tuổi thọ trung bình từ 200 đến 300 năm được vinh danh tại nhiều địa phương. Phần lớn cây di sản được công nhận đã bị những công trình kiến trúc, nhà ở bao vây; bị ảnh hưởng hóa chất độc hại và sự tàn phá của thiên nhiên làm cho héo úa, chết khô… Vì vậy, việc bảo tồn các loại cây di sản đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam đưa ra bàn luận trong hội thảo Chăm sóc cổ thụ - cây di sản Việt Nam diễn ra tại TP Đà Nẵng ngày 28-7.
Bị con người xâm hại
Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam, nhiều cây di sản có tuổi thọ rất cao như cây trôi 700 tuổi (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), cây đa Sơn Trà 800 tuổi (TP Đà Nẵng), cây thị 1.000 tuổi (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội)…
Ông Lê Huy Cường, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, cho biết hầu hết các cây di sản ở nước ta bị nhiều sâu bệnh, già cỗi, mục thân, gãy cành, nhiều nấm ký sinh. Phần lớn cây di sản được công nhận bị các công trình kiến trúc, nhà ở lấn chiếm không gian sống, phía trên bị chặt, phía dưới bị tổn thương rễ do các công trình ngầm mở rộng. Một số nơi đất đai bị nhiễm độc do dùng hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu làm hệ rễ chết khiến cây chết khô như các cây muỗm ở đền Voi Phục (phường Thụy Khê, quận Tây Hồ, TP Hà Nội).
Cây đa Sơn Trà (TP Đà Nẵng) được công nhận cây di sản Việt Nam vào tháng 6-2014
Ngoài sự tàn phá của thiên nhiên đối với những cây di sản, ông Cường cũng đề cập vấn đề xâm hại của con người, chẳng hạn: trèo lên hái quả, bắt chim, khắc tên lên thân cây… Đó là những lý do khiến cây đa Cổ Loa biến mất cách đây hơn 20 năm. Tại Hà Nội, nhiều cổ thụ ngay trong đình, đền, chùa bị nhà dân chèn ép, các công trình ngầm lấn át làm chết dần chết mòn.
Lập kế hoạch bảo vệ
TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam, cho rằng chăm sóc, bảo tồn cây di sản có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao các giá trị văn hóa, lịch sử ở các di tích, địa phương, mang lại thông điệp môi trường trong sạch và vững mạnh. Theo ông Sinh, hiện nay, rất nhiều cây di sản được công nhận đang rơi vào tình trạng chết dần chết mòn nên rất cần những biện pháp bảo vệ đúng đắn.
PGS-TS Phạm Quang Thu, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, nhìn nhận chăm sóc cây di sản là một việc không dễ dàng. Nếu chăm sóc không hợp lý thì có thể làm thay đổi tình trạng của cây.
Việc chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ giúp cây khỏe mạnh và chống chịu được sâu bệnh, kéo dài tuổi thọ. Điển hình, cây táu 2.200 tuổi ở Phú Thọ đã được cứu sống nhờ tháo dỡ kịp thời lớp bê-tông đè lên rễ khiến cây héo ngọn rồi lan ra cành.
Trong khi đó, ông Lê Quý Tuệ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam, nhấn mạnh chăm sóc cổ thụ là việc lâu dài và không phải lúc nào cũng đem lại kết quả như mong đợi.
Hiện tại, Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam đang rà soát lại tất cả cổ thụ và cây di sản có giá trị trên cả nước để có kế hoạch chăm sóc, bảo vệ.
Nhiều cây quý không còn
Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam, nhiều cây di sản quý giá trên cả nước đã chết. Trong năm 2013 - 2014, có đến 7 cây muỗm ở đền Voi Phục chết do vôi vữa, gạch ngói đổ đầy gốc làm chúng “nghẹt thở”.
Tại tỉnh Thanh Hóa, cây gạo ở huyện Thọ Xuân sau khi được công nhận là cây di sản, các cụ trong làng cho xây bệ đỡ, đổ đất thêm vào gốc. Vài tháng sau thì cây chết dần, chỉ còn lại phần thân.
Bình luận (0)