Sau một số vụ án oan sai nghiêm trọng, đặc biệt từ khi "người tù lịch sử" Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) nhận khoản tiền bồi thường oan sai 10 tỉ đồng, vấn đề trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường đối với người gây oan sai mới thật sự được đánh động dù Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2010.
Dẫu sao, đó vẫn là tín hiệu sáng, vui. Nhưng, đời sống đâu chỉ có chuyện oan sai. Hãy xem, việc ban hành các văn bản trái pháp luật cũng gây hậu quả xấu khó đo đếm.
Mỗi năm, Bộ Tư pháp phát hiện hàng ngàn văn bản trái pháp luật, sai nội dung, sai thẩm quyền ban hành của các bộ, ngành, địa phương và đã kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức liên quan. Việc ban hành văn bản trái pháp luật phản ánh sự non nớt kinh nghiệm, kỹ năng của một bộ phận cán bộ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chính sách, soạn thảo văn bản pháp luật; dẫn đến việc ban hành chính sách thoát ly thực tiễn, phương hại đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, gây phản ứng trong dư luận.
Trong thực tế, các văn bản trái pháp luật không chỉ phản ánh sự hạn chế về trình độ, bản lĩnh mà trong chừng mực nhất định, còn cho thấy hơi hướng của "nhóm lợi ích". Nội dung các văn bản này thể hiện sự nóng vội của đơn vị, tổ chức ban hành khi những vấn đề đưa ra chưa ngã ngũ, còn nhiều ý kiến trái chiều và nhất là chưa có sự đồng thuận của người dân.
Khi xử lý những sai phạm của cán bộ, công chức liên quan đến việc gây oan sai hay ra văn bản trái pháp luật, sai nội dung, xin hãy chú ý đến yếu tố tinh thần, danh dự của người bị phương hại vì đây là phần giá trị làm cho con người trở thành "tài sản quý giá nhất". Mong những công bộc của dân đừng coi khái niệm "quý giá" của con người chỉ như món trang sức!
Có một khía cạnh khác cần bàn thêm. Ngay cả các quy định hay quy trình nào đó được đưa ra đúng luật, hợp lệ nhưng sau một thời gian, khi nội dung của nó không còn phù hợp với thực tiễn, thậm chí thành rào cản, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân thì cần kịp thời sửa đổi, điều chỉnh trước khi dẫn đến hậu quả không mong muốn. Câu chuyện 20.000 viên thuốc điều trị ung thư bị hủy vì hết hạn sử dụng ở Bệnh viện Truyền máu và Huyết học là một ví dụ. Có thể trong câu chuyện này, vẫn còn những ý kiến khác nhau, nhất là từ phía các chuyên gia y tế, nhưng cái lõi của vấn đề - sự mong ngóng hồi sinh của người bệnh - cần được xem là ưu tiên số một để từ đó gỡ bỏ càng nhiều càng tốt, càng nhanh càng hay các thủ tục vốn dĩ đã rườm rà.
Có lẽ, đã đến lúc xã hội chúng ta cần tổ chức nghiên cứu, thống kê những thiệt hại về vật chất và tinh thần do áp dụng "thước đo sai" để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Xin nhớ rằng "Lý thuyết nào cũng màu xám, chỉ có cây đời xanh tươi mãi mãi" vẫn là câu nói sống đời giữa muôn trùng biến thiên.
Bình luận (0)