Anh Mẫn, Việt kiều giảng dạy bộ môn Đông Nam Á tại một trường đại học ở Pháp, sau chuyến dẫn đoàn sinh viên về Việt Nam du khảo cách đây 2 năm đã để lại cho tôi một lời nhắn nhờ tìm giúp tư liệu về động Chân Linh ở tỉnh Quảng Bình.
Cuốn hút tao nhân mặc khách
Sở dĩ có chuyện này, anh Mẫn cho biết là bởi nhiều sinh viên thắc mắc rằng những gì họ thấy ở động Phong Nha không giống với chú giải “Động Chân Linh là động Phong Nha ngày nay” qua nhiều bài báo và thư tịch cổ. Anh Mẫn đã hỏi các hướng dẫn viên của Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng nhưng không nhận được lời giải thích thỏa đáng.
Mong sớm hồi âm cho anh Mẫn nhưng tôi đã không sớm có được tư liệu cần thiết bởi ngay các kênh thông tin chính thống về địa chí Quảng Bình hiện cũng không đề cập đến địa danh động Chân Linh.
Điều này rất lạ vì động Chân Linh là địa danh duy nhất được tiến sĩ Dương Văn An (1514-1591) ghi trong mục “Động” của Ô châu cận lục (1555) - cuốn địa phương chí đầu tiên của nước ta viết về vùng đất Thuận Hóa (gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế ngày nay).
Dương Văn An là người ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, đỗ tiến sĩ lúc 30 tuổi (1547, năm vua Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyên mới lên ngôi) và làm đến chức thượng thư trong triều nhà Mạc.
Trong Ô châu cận lục, Chân Linh được Dương Văn An ghi ở châu Bố Chính và là hang động kỳ vĩ mà ngay thời đó đã thực sự cuốn hút tao nhân mặc khách: “... Lưng núi liền núi biếc, mặt soi xuống sông xanh. Động có cửa vào hẹp vừa một chiếc thuyền, bên trong dần dần mở rộng. Người dạo xem phải đi thuyền. Trước hết, phải thanh tâm trì giới mới được nước lặng sóng êm, gió tan mù tản. Rồi thắp đuốc men theo dòng chảy mà vào. Thoạt nghe gió thổi như đàn, âm vang trong động như muôn tiếng sáo.
Đi vào chừng trăm dặm có khoảng trống như miệng cá, mở ra cảnh đất trời sáng sủa, mặt trời, mặt trăng sáng tỏ, cỏ êm mây lặng không còn chút trần tục. Chim hót đón người, hoa chào mời khách, thật là riêng một cõi trời đất. Có tảng đá lớn bằng phẳng, bàn cờ, con cờ. Bốn bên vách đá như đẽo gọt, xem những phiến có lấm chấm nhỏ, chỗ dáng đồng tiền, chỗ như sợi tóc, chỗ như dáng người, chỗ như ngọc đọng.
Nước biếc hơn mắt nhà sư, núi xanh tươi như đầu Phật. Chim dạo in dấu chân trên nền cát, cá giỡn sóng, nước chẳng gợn tăm. Dẫu là cảnh trí nguồn Đào cũng không thể tô điểm gì thêm. Khách văn chương trong huyện nhiều người đề vịnh nơi đây, người đời sau xem chỗ đề thơ, tựa như có những vòng khuyên lỗ chỗ...”.
Bất cập từ thư tịch cổ
Phải nhiều thế kỷ sau, đặc biệt là thời nhà Nguyễn, nước ta mới có tiếp những sách đề cập đến địa chí vùng Quảng Bình và hầu hết khi mô tả về động Chân Linh đều dẫn nguồn từ Ô châu cận lục, thậm chí là sao chép nguyên bản, nên về mặt mô tả là không có thay đổi gì nhiều. Vấn đề phát sinh là ở phần chú giải.
Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn tổ chức biên soạn (hoàn thành lần đầu vào năm 1882), ở phần mô tả động Chân Linh, ngoài việc ghi như Ô châu cận lục thì còn có 3 chi tiết đáng chú ý. Thứ nhất, động Chân Linh ở nguồn Chân Linh, cách huyện Minh Chính 11 dặm về phía Tây và nói rõ là ở xã Lệ Sơn Thượng. Thứ hai: “Trong hang có đền Chân Linh tiên nữ, khi hạn hán cầu đảo thường được ứng nghiệm”. Thứ ba: “Trên núi có hai hòn đá, đứng xa mà trông, một hòn như ngọc nữ hóng gió, một hòn như hình người tiên cưỡi mây”.
Một điểm khác với Ô châu cận lục nữa là ngoài động Chân Linh, Đại Nam nhất thống chí còn có sự ghi nhận về động Tiên Sư: “Động Tiên Sư nằm về phía Tây huyện Bố Trạch 41 dặm, về trang Phong Nha: Một dãy núi đá cao lớn băng dài, có tên nữa là động Sài Sơn. Lưng động đứng thẳng như vách, sâu thẳm um tùm, có một đường nước từ trong chảy ra Châu Giang (tức Nguồn Son) rộng 5-6 trượng, sâu hơn 1 trượng, cửa động cao 7-8 thước, rộng 1 trượng rưỡi... Trong ấy ngó thâm u không có chỗ sáng, ra vào phải lấy đèn đuốc”.
Đọc đến đây, hẳn chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra đấy chính là động Tiên Sơn (động khô) trong cụm hang động Phong Nha và nơi được mô tả “có một đường nước từ trong động chảy ra Nguồn Son” chính là động Phong Nha ngày nay.
Nhưng đến khi Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn công trình lớn cuối cùng là Đồng Khánh Địa dư chí (hoàn thành vào đời Đồng Khánh 1886-1887, Đông Dương thư khố của Nhật Bản xuất bản tháng 7-1945 dưới nhan đề Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí đồ, đến năm 2003 mới được dịch và xuất bản tại Việt Nam dưới nhan đề Đồng Khánh địa dư chí) thì ở mục Danh thắng tỉnh Quảng Bình lại viết: “Nói về cảnh thiên nhiên kỳ diệu thì có động Tiên Sư suối đá trong xanh tịch mịch khiến cho người ta rất yêu thích. Thứ đến là động Chân Linh tiên nữ, tiếc là động ấy lại ở nơi xa xôi hoang vắng... Động Tiên Sư và động Chân Linh tiên nữ ở trong cùng một địa điểm thuộc trang Phong Nha vậy. Xưa kia, trang cũng là một đơn vị hành chính cơ sở như xã, thôn...”.
Quốc sử quán là cơ quan biên soạn lịch sử chính thức duy nhất ở nước ta trong suốt 125 năm (1821-1945) và tập trung đông đảo đội ngũ trí thức hàng đầu của nhà Nguyễn, không hiểu sao 2 bộ sách lớn cùng của cơ quan này biên soạn lại có những ghi nhận rất khác biệt như vậy.
Đồng Khánh Địa dư chí ghi: “Động Tiên Sư ở trong địa phận trang Phong Nha. Trong động, thạch nhũ rủ xuống như xiêm y nghê thường, có 3 tảng đá giống hình người, dân xã thờ cúng, cầu mưa nhiều lần ứng nghiệm, đã được triều đình phong tặng”.
Bình luận (0)