Tiếp theo chương trình nghị trường Quốc hội (QH) khóa XIV, các đại biểu (ĐB) QH đã dành cả ngày 26-10 để thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự 2015. Nhiều ý kiến đề xuất thông qua dự án luật tại 2 kỳ họp. Cụ thể, kỳ họp thứ 2 QH thảo luận cho ý kiến và tại kỳ họp thứ 3 thông qua.
Phải xử lý nghiêm
Tại phiên thảo luận, các ĐB tập trung ý kiến về trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, hầu hết các ĐBQH đều chỉ ra những nguy cơ nhãn tiền về tội phạm trong độ tuổi này.
ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) bày tỏ băn khoăn quy định này không phù hợp với thực tế tình hình tội phạm. “Xu hướng trẻ hóa tội phạm ngày càng tăng. Đáng chú ý, nhiều vụ án hình sự về tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua. Đặc biệt, tình trạng người chưa thành niên phạm vào các tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như về ma túy, về giết người” - ĐB Nguyễn Thị Xuân nhận định và bày tỏ quan ngại quy định này sẽ tạo kẽ hở cho các đối tượng phạm tội lợi dụng, lôi kéo người chưa thành niên vào việc thực hiện tội phạm.
Chia sẻ quan điểm của nữ ĐB đến từ Đắk Lắk, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) đánh giá người chưa thành niên bây giờ có những hành vi vi phạm rất nguy hiểm như bạo lực học đường, hiếp dâm, trộm cướp tài sản... Các cử tri cũng đề nghị phải xử lý nghiêm bằng hình sự để bảo đảm tính răn đe.
ĐB Lê Trọng Tới (Bạc Liêu) cũng cảnh báo nạn nhân của những tội phạm chưa thành niên gây ra, phổ biến nhất là trẻ em nữ đối với các tội hiếp dâm trẻ em, cố ý gây thương tích. Một khi đã xảy ra thì hậu quả rất lớn.
Đi sâu vào phân tích nguyên nhân, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng ở tuổi này chưa đủ chín, chưa đủ khôn để quyết định hành vi của mình. Bà chỉ ra trong khi thực tế có rất nhiều những văn hóa phẩm độc hại, rất nhiều nội dung kích động bạo lực mà chúng ta theo dõi trên phương tiện thông tin đại chúng đã biết.
“Thậm chí, có bé gái chỉ vì câu like trên Facebook mà sẵn sàng mang xăng vào trường để đốt. Không phải bản thân trẻ có thể làm chủ được hành vi của mình. Mạng xã hội kích động trẻ phạm tội mà không ý thức được hành vi của mình. Tôi còn muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm ở gia đình, nhà trường trong việc giáo dục trẻ” - bà Nguyễn Thị Mai Hoa đúc kết.
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa còn dẫn một nghiên cứu của Học viện Cảnh sát Nhân dân về hoàn cảnh gia đình phạm tội để đưa ra các số liệu: đối với trẻ tội phạm vị thành niên có 11% do bố mẹ ly hôn; 29% do bố mẹ không đáp ứng nhu cầu; 5% là do bố mẹ từ chối nuôi dưỡng và đến 45% là do bố mẹ chỉ biết kiếm tiền mà không quan tâm đến con.
Hình phạt chưa tương xứng
Ở khía cạnh khác, ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) nói tội phạm liên quan tới môi trường ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng song hình phạt chưa tương xứng. Muốn phát triển bền vững cần đặc biệt quan tâm tới môi trường. Sự cố môi trường không chỉ là con người mà còn là môi sinh, môi trường sống, ảnh hưởng tương lai. Dù vậy, hình phạt nặng nhất chỉ là 10 tỉ đồng và 10 năm tù. Cho nên, cần nghiên cứu tăng hình phạt để bảo đảm tính răn đe.
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) dẫn ra bất cập về cách tính khối lượng hoặc tinh chất ma túy trong các vụ án về ma túy được đề cập trong dự án luật. “Với vụ án không thu được ma túy thì sẽ tính theo khối lượng ma túy đối tượng khai nhận. Đối với vụ án thu được ma túy thì tính theo hàm lượng ma túy tinh chất rút ra từ ma túy thu giữ được. Đây là mâu thuẫn lớn nhất mà đến thời điểm hiện nay dự thảo chưa tính tới” - ĐB Nguyễn Thị Thủy nhận xét. Do đó, quy định như trong dự thảo cũng không bảo đảm tính công bằng trong xử lý giữa vụ án thu được và vụ án không thu được ma túy. Hiện nay, số vụ án không thu được ma túy ở nước ta chiếm khoảng trên 20% tổng số án ma túy thụ lý.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thành Long ghi nhận ý kiến của các ĐB đề nghị sửa đổi, bổ sung 75 điều. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ để có phương án tiếp thu giải trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Có những ĐBQH nói bộ luật quan trọng nên dấu chấm, dấu phẩy dẫn đến hậu quả khôn lường” - người đứng đầu Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị QH giao cơ quan thẩm tra phối hợp cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan luật pháp trung ương nghiên cứu đầy đủ để tiếp thu, chỉnh lý xây dựng lại dự án luật này.
Dứt khoát phải kiểm soát quyền lực
Cùng ngày, bên hành lang QH, ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức trung ương - đã trao đổi với báo chí xung quanh việc Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị Ban Bí thư kỷ luật cảnh cáo nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, đồng thời chỉ ra hàng loạt bất cập trong việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ của cựu bộ trưởng này. Ông Chính cho hay Ủy ban Kiểm tra trung ương đã làm theo đúng quy trình, đúng nguyên tắc Đảng, quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, trách nhiệm.
Về bài học rút ra từ vụ việc này, ông Chính cũng cho biết đang phải xây dựng lại một số quy trình, tiêu chuẩn, tiêu chí về quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ cho phù hợp với tình hình hiện nay.
V.Duẩn
Bình luận (0)