Sáng 21-10, Quốc hội (QH) thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS).
Làm việc ở hội trường. Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 (gọi tắt là BLHS năm 2015).
Thảo luận tại Tổ TPHCM sáng 21-10 về dự án Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015-Ảnh: Văn Duẩn
Phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều của Bộ luật, gồm 18 điều thuộc Phần Những quy định chung và 123 điều thuộc Phần Các tội phạm, trong đó có 38 điều sửa đổi về kỹ thuật, 102 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 01 điều.
Phải đảm bảo chất lượng
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho biết Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với quan điểm của Chính phủ là: sửa đổi, bổ sung tối đa các sai sót đã được phát hiện; không làm thay đổi các chính sách lớn của BLHS đã được QH thông qua; bảo đảm góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Đồng thời, trong một chừng mực nhất định, đề nghị QH cho phép có một vài quy định chưa thể cụ thể hóa hết được mà vẫn phải có văn bản quy định chi tiết của Chính phủ hoặc nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và án lệ của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Đồng thời, Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh việc sửa đổi phải trên cơ sở rà soát, phát hiện hết các sai sót trong BLHS năm 2015.
Về thời gian trình QH xem xét thông qua dự án Luật, bà Lê Thị Nga cho rằng đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp và ý kiến của Cơ quan tham gia thẩm tra đều đề nghị QH cho phép thông qua dự án Luật tại 2 kỳ họp (tại Kỳ họp thứ 2 QH khóa XIV cho ý kiến và tại Kỳ họp thứ 3 thông qua) với những lý do: dự án Luật bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung 141 điều do Chính phủ trình.
ĐB Dương Ngọc Hải cho rằng phải rà soát kỹ để phát hiện hết sai sót để sửa đổi nhằm tránh gây gậu hậu quả lớn trong quá trình thực hiện-Ảnh: Văn Duẩn
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cũng cho biết trong thời gian rà soát các quy định, định lượng chi tiết, nhiều bộ, ngành đã có ý kiến bằng văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều luật cho phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... Đồng thời, qua ý kiến của nhiều thành viên Ủy ban Tư pháp cho thấy, còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu để có phương án sửa đổi phù hợp. Do đó, để bảo đảm thận trọng, tránh việc sau khi sửa đổi vẫn còn phát hiện những sai sót ảnh hưởng đến tính thống nhất của Bộ luật và bảo đảm chất lượng của dự thảo Luật thì phải có đủ thời gian vật chất cần thiết.
Bà Nga cũng nhấn mạnh rút kinh nghiệm sâu sắc từ nguyên nhân chính dẫn đến sai sót của BLHS năm 2015 là do sức ép quá lớn về thời gian. “Trong khi đó, BLHS năm 1999 được QH cho ý kiến và thông qua nhiều lần trong thời gian dài sau 7 năm chuẩn bị. Nếu lần sửa đổi này tiếp tục thực hiện trong điều kiện gấp gáp về thời gian thì rất khó đảm bảo chất lượng”-bà Nga cho hay
ĐB Nguyễn Minh Đức phát biểu thảo luận tổ TPHCM-Ảnh: Văn Duẩn
Chưa nên thông qua tại kỳ họp này
Sàng cùng ngày 21-10, thảo luận tại tổ TPHCM về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015, ĐB Dương Ngọc Hải, Viện trưởng VKSND TPHCM, đồng ý phương án 1 của Chính phủ là rà phải soát sửa đổi sai sót không ảnh hưởng đến chính sách hình sự.
ĐB Hải cho rằng có sai sót gì thì sửa sai sót đó chứ không ảnh hưởng chung tới cả bộ luật. "Qua đóng góp của ĐBQH, của nhân dân, tôi đề nghị phải sửa đổi cho đầy đủ. Chứ khi Luật thông qua, vận dụng rồi mà lại phát hiện sai sót tiếp thì việc xử lý, sửa đổi sẽ khó khăn hơn. Do đó, cần rà soát kỹ lưỡng hơn"-ông Hải nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Minh Đức, Đại tá, Viện trưởng Viện Khoa học cảnh sát, Học viện Cảnh sát, cho rằng trong sửa đổi, chủ yếu có nhiều điều luật nếu sửa đổi sẽ không tương thích với các điều luật khác, vì thế phải có sửa đổi mang tính tổng thể để làm sao không có mâu thuẫn điều luật này điều chỉnh còn điều luật kia không điều chỉnh.
Để BLHS tồn tại lâu dài, ổn định
ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng BLHS năm 2015 đã sai sót một lần rồi thì đứng sai nữa dù nhỏ, cho nên không chỉ sửa mỗi kỹ thuật mà còn sửa về nội dung. Cần đảm bảo tính chính xác, bao quát đối với đạo luật này. Không nên vì thời gian mà bỏ qua chất lượng làm như thế ảnh hưởng đến uy tín ĐBQH, Nhà nước.
ĐB Đào Thanh Hải (Hà Nội), Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cũng cho rằng BLHS năm 2015 là đạo luật lớn, có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ đất nước, con người, bảo vệ phòng ngừa đấu tranh phòng chống tội phạm, do vậy cần phải sửa đổi triệt để. Theo ông Đào Thanh Hải, cần tập trung sửa đổi triệt để toàn diện, để bộ luật có điều kiện tồn tại lâu dài, ổn định.
Bình luận (0)