Những ngày qua, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin về bệnh tật của ông Nguyễn Bá Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính trung ương. Nội dung trên các trang này dẫn một số “nguồn tin riêng” thất thiệt về ông Thanh gây tâm lý hoang mang cho nhiều người và danh dự người khác.
Đây không phải lần đầu một số trang mạng xã hội phát tán những thông tin thiếu căn cứ như thế. Trước mỗi kỳ đại hội, hội nghị hoặc các kỳ họp của Quốc hội, trên các trang mạng xuất hiện dày đặc thông tin bôi nhọ, bịa đặt nhắm vào các vị lãnh đạo cấp cao hoặc những người được đưa vào diện quy hoạch nhân sự. Người dân muốn kiểm chứng cũng khó vì đôi khi không có thông tin chính thống để đối chiếu, kiểm chứng.
Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2014, cả Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an đều đề cập vấn đề này và yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường quản lý an ninh mạng. Sự chỉ đạo kịp thời của người đứng đầu Chính phủ là hết sức cần thiết khi mà năm 2015, nước ta diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại, trong đó có Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc vào đầu năm 2016.
Nhà nước ta có khá nhiều văn bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý thông tin điện tử trên internet. Ngoài các luật về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử..., Chính phủ còn ban hành nhiều nghị định, gần đây nhất là Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông...
Đối với hành vi tuyên truyền chống phá nhà nước, xuyên tạc, bôi nhọ tổ chức, cá nhân nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
So sánh mức phạt của các nghị định trước đây (Nghị định 28/2009/NĐ-CP ngày 20-3-2009 hoặc Nghị định 63/2007/NĐ-CP ngày 10-4-2007 của Chính phủ), mức phạt của Nghị định 174/2013/NĐ-CP cao hơn nhiều. Mặc dù chế tài đã tăng lên nhưng việc tung tin đồn thất thiệt không hề giảm mà ngày càng có xu hướng gia tăng.
Như vậy, có thể thấy “thuốc chữa bệnh liều cao” không mang lại hiệu quả như mong muốn? Vì sao? Câu trả lời khá đơn giản, đó là do nắm bắt tâm lý của một bộ phận người dân tò mò, muốn tìm hiểu thông tin nên các trang mạng xã hội “câu khách” bằng cách tung những tin đồn thiếu căn cứ. Việc người dân có nhu cầu thông tin là không thể bàn cãi, là bình thường trong thời đại kỷ nguyên số.
Tuy nhiên, vì không tìm thấy thông tin trên các tờ báo chính thống, một bộ phận không nhỏ người dân vào các trang mạng để giải tỏa cơn khát thông tin của mình. Dần dà, việc này trở thành thói quen. Nhà nước không thể cấm và cũng không thể kiểm soát được việc truy cập các trang mạng xã hội của người dân.
Ngược lại, việc cung cấp những thông tin nóng, liên quan đến nhân sự cấp cao, tài sản của quan chức... từ các tờ báo chính thống lại quá chậm do thiếu sự phối hợp của cơ quan chức năng, càng làm cho một bộ phận người dân bị “hút” vào các trang mạng xã hội. Rất ít báo chính thống đưa tin về bệnh tình của ông Thanh vì không thể “moi” được thông tin chính thức từ cơ quan chức năng có nhiệm vụ phải phát ngôn trước vấn đề người dân cả nước quan tâm; ngược lại, các trang mạng xã hội cập nhật hằng giờ.
Để ngăn chặn tình trạng thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội, nhà nước cần sử dụng nhiều biện pháp, trong đó biện pháp kỹ thuật (chặn truy cập) phải được tiến hành đồng bộ cùng các biện pháp khác. Một trong những biện pháp quan trọng nhất, đó là cần thông tin công khai, minh bạch, kịp thời những thông tin quan trọng của Đảng, nhà nước, cán bộ cấp cao mà người dân đang quan tâm. Muốn vậy, cần thiết sớm ban hành Luật Tiếp cận thông tin.
Trong các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, dự án Luật Tiếp cận thông tin đã từng được đưa vào chương trình nghị sự, nhưng sau đó điều chỉnh dời lại đến cuối năm 2015.
Không nên đổ lỗi cho người dân
Ông Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng việc trên mạng đưa những thông tin chưa được kiểm chứng, trong đó có nhiều thông tin thiếu cơ sở, như những thông tin mới đây về tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh, có nguyên nhân do các cơ quan có trách nhiệm không đưa ra được những thông tin kịp thời, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Hơn nữa, những thông tin được đưa ra cũng rất chung chung, không đầy đủ, kém thuyết phục, dẫn đến người dân cứ phải đi tìm những thông tin khác. Đây chính là cơ hội để một số người tung những thông tin thiếu chính xác lên internet. Vì thế, không nên đổ lỗi cho người dân khi cả tin vào đó.
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng (Hà Nội), cho rằng những thông tin xuyên tạc mà xâm hại đến lợi ích của cá nhân (như danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại về tài sản) thì cá nhân bị xâm phạm có thể khởi kiện đòi bồi thường hoặc yêu cầu khởi tố để xử lý về hành vi vu khống, hành vi làm nhục người khác.
Việc xử lý các hành vi tung tin thất thiệt được áp theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP, chưa quy định rõ ở mức nào thì truy cứu hình sự dẫn đến các đối tượng xấu sẵn sàng nộp phạt, để tung tin bịa đặt, xuyên tạc để đạt ý đồ xấu. Đáng ngại hơn, thủ đoạn tung tin lại rất tinh vi khi lồng ghép ngụy tạo xen kẽ với một vài thông tin có thật để tạo niềm tin cho người đọc.
B.Trân - Ng.Quyết
Bình luận (0)