xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chánh án TAND Tối cao: Không thể kết luận vội vàng về vụ án ông Chấn

Nguyễn Quyết - Tô Hà - Văn Duẩn

(NLĐO)- Sáng 21-11, trả lời các chất vấn trước QH về việc kêu oan và tố bị ép cung, nhục hình của ông Nguyễn Thanh Chấn, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết không thể kết luận vội vàng về vụ án này mà cần xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

img
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình trả lời chất vấn Quốc hội sáng 21-11

Sáng 21-11, Quốc hội (QH) tiếp tục phiên chất vấn với Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao Trương Hòa Bình.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng điều hành đã mở đầu phiên chất vấn người đứng đầu của cơ quan xét xử: “Tòa án là cơ quan trung tâm của ngành Tư pháp. Trong Hiến pháp dự thảo thì QH đã đồng ý với tỉ lệ rất cao, đây là thực hiện quyền tư pháp vì TAND là người xét xử cuối cùng, tính từ điều tra đến kiểm sát… Xét xử mới là kết luận”. 

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết, trong phiên chất vấn sẽ trả lời chất vấn các vị đại biểu (ĐB) QH 2 nhóm vấn đề: Một là, trách nhiệm của TAND Tối cao trong hướng dẫn các TAND các cấp thống nhất pháp luật tổng kết các kinh nghiệm xét xử, giám đốc việc xét xử của tòa án các cấp; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.  

Hai là giải pháp để nâng cao chất lượng ngành tòa án, nâng cao chất lượng xét xử, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm, áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo không đúng quy định pháp luật. 

Mở đầu buổi chất vấn, ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) chất vấn Chánh án về chất lượng giải quyết vụ các vụ án tùy thuộc trình độ thẩm án, thẩm tra viên, thư ký. “Với trách nhiệm là người đứng đầu hệ thống xét xử, Chánh án hãy cho biết biện pháp khả thi để nâng cao chất lượng của đội ngũ này” - ĐB đặt câu hỏi.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) có 2 câu hỏi: Một là năm 2013, ngành tòa án có nhiều cố gắng, hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhất là không để xảy ra oan sai nhưng hàng năm vẫn có nhiều đơn phúc thẩm. Vậy TAND Tối cao có giải pháp gì để nâng cao chất lượng xét xử, lấy lại lòng tin nhân dân, hạn chế oan sai?

Hai là về vụ án Nguyễn Thanh Chấn đã bị kết án tù chung thân, sau 10 năm mới được minh oan. Vậy trách nhiệm của ngành tòa án đến đâu, giải pháp minh oan, bồi thường cho người bị oan như thế này. Liệu có bao nhiêu “con thỏ” mà chúng ta mà tuyên bố là “con gấu” hay không?
 
img
Ông Nguyễn Thanh Chấn (sơ mi sáng màu) trở về gia đình ngày 4-11 vừa qua sau khi ngồi tù 10 năm - Ảnh: nguyễn Quyết

Trước hàng loạt câu hỏi nóng về án oan, Chánh án Trương Hòa Bình thừa nhận chất lượng xét xử liên quan đến cái gốc là chất lượng cán bộ của ngành, bao gồm đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký và công chức khác. 

Để nâng cao chất lượng cán bộ, ngành tòa án đã có chiến lược đến năm 2020 với mục tiêu hàng đầu đặt ra là đào tạo được đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, đạo đức và tinh thông nghiệp vụ. 

“Như vậy mới có thể  hạn chế ít nhất oan sai để khẳng định uy tín của ngành vì tòa án là biểu tượng của công lý” - Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Cũng chất vấn Chánh án Trương Hòa Bình về vấn đề oan trong tố tụng hình sự, ĐB Lê Thị Nga (Đoàn Thái Nguyên) khẳng định qua vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn bị oan sai suốt 10 năm và một số vụ kết tội oan khác trong thời gian qua, cho thấy có lỗi điều tra của cả Viện kiểm sát nhân dân, Bộ Công an, TAND Tối cao. 

ĐB Nga đề nghị Chánh án Trương Hòa Bình, với tư cách là người đứng đầu ngành tòa án, đồng thời đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao và Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra một số vụ điều tra, truy tố, xét xử oan, giải pháp nào để chống oan trong thời gian tới? 

“Thời gian qua có phản ánh về một số vụ việc một số bị can bị điều tra viên ép nhận cung, dùng nhục hình nên buộc phải nhận tội mà mình không thực hiện. Vậy 3 đồng chí có giải pháp để khắc phục tình trạng này?” - ĐB Nga nói.

ĐB Lê Thị Nga đề nghị một số giải pháp: “Tôi và nhiều cử tri có kiến nghị lắp camera theo dõi, giám sát tất cả các cuộc hỏi cung, và giải pháp thứ hai là giao cho cơ quan khác, chứ không phải là công an thực hiện việc tạm giữ tạm giam để tránh việc cùng một chủ thể, vừa có nghĩa vụ điều tra, chứng minh tội phạm, lại vừa có quyền quản lý, giam giữ người tình nghi, nên khó tránh triệt để việc lạm quyền. Tôi muốn hỏi quan điểm của 3 vị về vấn này?”

Lần thứ 2 chất vấn Chánh án TAND Tối cao trong sáng nay 21-11, vị đại biểu là Phó chủ tịch Ủy ban Tư pháp của QH này quyết đi đến cùng vụ án Nguyễn Thanh Chấn với 4 đề nghị rất cụ thể. 

Thứ nhất, đó là theo quyết định tái thẩm, hồ sơ vụ án đã được giao lại cho cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bắc Giang điều tra lại theo quy định của Luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan, ĐB Nga đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an không để công an Bắc Giang điều tra nữa mà căn cứ khoản 4 Điều 110 Luật tố tụng hình sự chỉ đạo cơ quan điều tra Bộ Công an rút lên để trực tiếp điều tra, VKSND Tối cao trực tiếp giám sát điều tra.

Thứ hai, ĐB Nga đề nghị trong quá trình điều tra lại, cơ quan điều tra, VKS phải hoàn toàn dựa trên bằng chứng, sự thật khách quan, nếu không đủ căn cứ kết luận ông Chấn phạm tội thì phải đình chỉ điều tra ngay cho ông Chấn, không phụ thuộc vào kết quả điều tra đến vụ Lý Nguyễn Chung (nghi phạm đầu thú khai nhận là hung thủ sát hại chị Nguyễn Thị Hoan, nạn nhân trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn - PV). Tuyệt đối không được sử dụng biện pháp suy luận điều tra theo hướng nếu không chứng minh được tên Chung phạm tội thì người phạm tội chính là ông Chấn.

Thứ ba, Cơ quan điều tra, VKSND Tối cao khẩn trương xác minh điều tra làm rõ thông tin về việc ông Chấn bị bức cung nhục hình và hành vi có dấu hiệu tội xâm phạm hoạt động tư pháp.

Thứ tư, ĐB Nga đề nghị chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao theo thẩm quyền chỉ đạo rà soát lại tất cả những vụ hình sự kêu oan, đặc biệt là xem xét khẩn trương đối với những vụ án tử hình, tránh tình trạng phát hiện bị oan thì đã thi hành án. 

Cũng trên diễn đàn QH, ĐB Lê Thị Nga cho biết đã có ý kiến riêng bằng văn bản gửi trực tiếp đến Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Chánh án, Bộ trưởng Bộ Công an. “Tại diễn đàn QH, tôi xin trân trọng đề nghị các đồng chí lưu ý xem xét kiến nghị của tôi” - ĐB Lê Thị Nga nói.

img
ĐB Lê Thị Nga, Phó chủ tịch Ủy ban Tư pháp của QH, 2 lần chất vấn về vụ án Nguyễn Thanh Chấn 

Trả lời chất vấn của các ĐB Nguyễn Bá Thuyền, Lê Thị Nga liên quan đến vụ án ông Chấn, theo Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, đó là những câu hỏi rất rộng, về thẩm quyền của cả 3 ngành công an, kiểm sát, tòa án. Trong đó tòa án là một chủ thể trong quá trình tố tụng. 

Hiện nay các thủ tục về tố tụng đang được tiến hành để VKS thực hiện việc điều tra lại. VKS sẽ chuyển lại cơ quan điều tra để điều tra lại vụ án. 

Trả lời câu hỏi của các ĐB về việc ép cung, nhục hình hay không, trách nhiệm như thế nào, ông Trương Hòa Bình nói: “Về bình diện chung, thực tế bất cứ ngành tư pháp của nước nào, kể cả nước có nền pháp luật tiên tiến không tránh khỏi tình trạng oan sai, Việt Nam cũng nằm trong thực tế đó. Tuy nhiên, việc để xảy ra oan sai, nhất là oan đối với người bị buộc tội mức án cao nhất 20 năm, chung thân, tử hình là không thể chấp nhận được”. 

Dù vậy, người đứng đầu ngành tòa án cả nước nói: “Tuy nhiên, việc xác định có oan sai hay không phải theo quy định của pháp luật rất chặt chẽ. Còn dư luận là dư luận. Trước dư luận, những người có trách nhiệm liên quan phải xem xét, nghiên cứu. Những người kêu oan, những người có trách nhiệm phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình vì nếu xảy ra oan sai là nỗi thống khổ đối với người dân. Phải bị ngồi tù, bị thiệt hại về nhân phẩm, danh dự, quyền tự do công dân, ảnh hưởng gia đình, dòng tộc của họ… thì phải được xem xét một cách khẩn trương, thấu đáo theo quy định của pháp luật”. 

Chánh án TAND Tối cao cho rằng có oan hay không oan thì phải theo quy định pháp luật. Nếu có đơn kêu oan thì phải xem xét, điều tra. Nếu như có oan thì phải qua kết luận điều tra. Nếu tiếp tục truy tố thì VKS truy tố, tòa án lại xem xét. Trong giai đoạn xét xử, có oan hay không oan, theo quy định phải có một hội đồng xét xử, tội gì và như thế nào, mức án ra sao. 

Chánh án TAND Tối cao cũng cho rằng còn có những cơ quan khác liên quan trong quá trình tố tụng khi nói: “Trong quá trình điều tra, có sự tham gia của VKS đã phê duyệt bắt, tạm giữ, tạm giam khởi tố và truy tố trước pháp luật, thực hành quyền công tố, kiểm sát việc xét xử. Trách nhiệm của điều tra, nếu có ép cung, nhục hình những người trực tiếp vi phạm và những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, có trách nhiệm của ngành kiểm sát. Luật sư tham gia vào quá trình này cũng phải có trách nhiệm của luật sư”. 

Riêng đối với tòa án, các hội đồng xét xử (HĐXX) dựa trên hồ sơ, tài liệu chứng cứ vụ án của VKS truy tố. Nếu hồ sơ vụ án đã khép kín thì tòa án xét xử theo hồ sơ đảm bảo theo đúng pháp luật tố tụng. 

“Việc HĐXX có phát hiện ra ép cung hay không rất là khó. Điều này phải được bị can yêu cầu xem xét, VKS đề nghị xem xét, luật sư đề nghị xem xét thì TAND mới có cơ sở. Với trách nhiệm của HĐXX, dù có đề xuất hay không, xét xử xảy ra oan sai thì TAND phải liên đới trách nhiệm, không thể phủ nhận được trách nhiệm này” - ông Trương Hòa Bình thừa nhận. 

Về tố cáo bị ép cung của ông Nguyễn Thanh Chấn, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết Bộ Công an đang kiểm điểm cán bộ có liên quan. Về trách nhiệm của tòa án khi trước tòa bị cáo khai bị ép cung, ông Bình nhìn nhận trong quá trình xét xử "việc phát hiện là rất khó", nhưng như vậy không có nghĩa là nếu việc này có thật thì tòa án vô can. "Tòa án phải chịu trách nhiệm liên đới. Đây là điều không thể phủ nhận" - Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh.

Để tránh oan sai, theo Chánh án Trương Hòa Bình, ngoài việc đòi hỏi thẩm phán, thư ký phải tinh thông để phát hiện những điều không bình thường trong hồ sơ thì những người này cũng "cần phải có tâm".

Người đứng đầu ngành tòa án cho rằng không thể kết luận vội vàng vụ án Nguyễn Thanh Chấn vì xác định sự thật không cẩn thận sẽ "ảnh hưởng đến ý chí tấn công tội phạm, làm chùn bước những người đang làm công việc hết sức khó khăn gian khổ".

Về vấn đề có ép cung, nhục hình hay không, Chánh án TAND Tối cao nói: “Nếu có thì là điều không chấp nhận được. Nếu có cũng phải được chứng minh chứ không thể kết luận ngay là có ép cung”. 

Để không xảy ra oan sai, ép cung, nhục hình, theo ông Trương Hòa Bình thì phải trách nhiệm chung của toàn ngành công an, kiểm sát, tòa án.  

Về biện pháp xử lý, ông Bình khẳng định: Nếu như cán bộ nào vi phạm, công an, kiểm sát, tòa án thì phải đều bị xử lý vi phạm tùy theo mức độ: Kiểm điểm, xử lý vi phạm hành chính; xử lý theo luật công vụ; xử lý theo điều lệnh; nếu vi phạm pháp luật phải xử lý theo pháp luật; nếu có dấu hiệu xâm phạm hội đồng tư pháp thì phải được xem xét theo trách nhiệm đối với vi phạm hội đồng tư pháp. 

Ngoài ra, nếu thực sự có oan sai, trong từng giai đoạn xét xử, tùy theo từng giai đoạn, từng vụ việc thuộc trách nhiệm của cơ quan nào, về nguyên tắc chung, người đứng đầu cũng có trách nhiệm. 
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo