Ngày 29-3, Sở Xây dựng TP HCM tổ chức hội nghị công tác đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất trong việc thực hiện công tác này.
Nhà mặt tiền nhưng mang số hẻm
Tại hội nghị, ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết số nhà ở TP hiện được quy hoạch rất lộn xộn, gây khó khăn trong việc giao dịch của người dân và ảnh hưởng đến công tác quản lý của chính quyền. Chẳng hạn, địa chỉ trụ sở của Sở Xây dựng TP là 60 Trương Định, phường 7, quận 3 nhưng tại địa chỉ 60 Trương Định, phường Bến Thành, quận 1 lại là tiệm hớt tóc.
“Nhiều người hẹn tôi làm việc tại cơ quan. Thế nhưng, khi họ đến lại gọi nói vì sao nơi làm việc toàn “chân dài” đứng hớt tóc” - ông Hùng nói và cho biết địa chỉ 56 Trương Định, quận 3 là cơ quan Thành ủy TP nhưng cũng trùng với một tiệm hớt tóc ở quận 1.
Một căn nhà ở quận Bình Tân, TP HCM có đến 5 xuyệc
Theo ông Hùng, nhiều tuyến đường ở quận Gò Vấp, 12, Bình Tân... cũng “loạn” số nhà, oái oăm ở chỗ nhà mặt tiền nhưng mang số hẻm... “Còn nói đến số nhà ở huyện Nhà Bè thì tôi chỉ có chào thua. Địa chỉ gì đâu có đến 5-8 xuyệc, người lạ mò chắc tới tối mới tìm được nhà” - ông Hùng thông tin và cho rằng thời gian qua, chính quyền các quận, huyện rất nỗ lực khắc phục nhưng vẫn không xuể.
Tiếp lời, một cán bộ tham gia hội nghị phản ánh ở quận 12 có con đường mang 4 cái tên gồm Dương Thị Mười, TCH, TTH, TC37. Người dân ở đó khổ trăm bề, nhất là các cơ sở kinh doanh không thể giao dịch với khách hàng. Ngoài ra, một số UBND quận, huyện cũng phản ánh hiện số nhà ở trong chung cư vẫn chưa thống nhất, có nơi đánh số nhà tầng trệt là 1, còn có nơi lại đánh 0.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên, ông Đỗ Phi Hùng cho rằng do đô thị hóa mạnh mẽ khiến nhiều người ở vùng ven tự ý lấy đất nông nghiệp xây nhà dần dần hình thành các con hẻm. Và cách đây nhiều năm, rất nhiều cơ quan, đơn vị tham gia vào công tác cấp số nhà nên đã để lại hệ lụy trên.
Đề xuất cách tính mới
Ông Nguyễn Minh Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tin học - Bản đồ Việt Nam (Vietbando), cho biết lâu nay chúng ta đánh số nhà theo kiểu bên tay phải là chẵn, bên tay trái là lẻ theo thứ tự. Do vậy, nếu trong lúc sử dụng phải chèn thêm một số giữa 2 nhà đã tồn tại ở mặt tiền đường thì kéo theo số nhà trong hẻm phải đổi, như vậy quá bất cập. Từ thực tế này, ông Nam đề xuất nên đánh số nhà theo phương pháp mới là lấy một điểm gốc chuẩn ở trục đường. Số nhà sẽ là số mét chiều dài từ điểm gốc chuẩn đến căn nhà đó. Nếu nhà cách 40 m mà nằm bên phải là số 40, bên trái là số 39 hoặc 41.
“Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng đang hoàn thiện một ứng dụng quản lý số nhà thông minh. Người dân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) để tải về và nhập số nhà sẽ có bản đồ hướng dẫn đường đi đến nơi cần tìm. Bên trong ứng dụng còn có thông tin số thửa, tình trạng đất đai, lịch sử hình thành căn nhà, hiện trạng và chủ sở hữu” - ông Nam trình bày.
Đánh giá về đề xuất của Vietbando, ông Đỗ Phi Hùng cho biết đó là ý tưởng hay và nhiều năm qua, Sở Xây dựng cũng đã trình nhiều văn bản đến UBND TP. Ông Hùng khẳng định: “Với cách đánh số nhà mới sẽ không còn tình trạng trùng số nhà trên một tuyến đường và nếu có tách số nhà cũng sẽ dễ dàng có số nhà mới. Cơ quan chức năng không còn tình trạng để dành số nhà như trước đây với những số gắn thêm Bis, A, B…”.
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng TP, đây chỉ mới là ý tưởng, nếu muốn áp dụng phải chờ lấy ý kiến từ nhiều sở, ngành và người dân.
Hai phương án giảm xuyệc
Để giảm tình trạng nhiều xuyệc trong các hẻm, theo Sở Xây dựng TP, có 2 phương án. Thứ nhất, kéo dài con hẻm để giảm xuyệc.
Thứ hai, gắn thêm chữ sau mỗi số hẻm. Cụ thể, nếu con hẻm 31 có thêm một hẻm bên trong thì hẻm này sẽ là 31A và hẻm kế tiếp là 31B… Như vậy, 31/4/15 thì đổi là 31A/15...
Bình luận (0)