Khi sông, rạch, hồ... thành bãi thử chất độc!
Theo số liệu chúng tôi thu thập được, chỉ riêng ở tỉnh Đồng Nai, mỗi năm ngành nông nghiệp đã sử dụng khoảng 922.000 tấn phân bón hóa học, gần 2.000 tấn thuốc trừ sâu các loại... 9.000 tấn rác thải nguy hại khác thải ra từ sinh hoạt của hơn 2,1 triệu dân. Một cán bộ môi trường của tỉnh Đồng Nai tiết lộ: Các chất thải sau khi lắng đọng đều được dồn vào các dòng suối, kênh rạch trên địa bàn. Hiện nay nhiều suối nhỏ trong khu vực TP Biên Hòa đã biến thành cống thải có mức độ ô nhiễm hữu cơ, vi sinh rất cao. Tất cả được đổ ra sông Đồng Nai.
Nguồn nước tích trữ tại hồ Trị An, Dầu Tiếng (Tây Ninh) dành để gột rửa sự nhiễm bẩn của dòng sông cũng đang bị hủy hoại bởi đủ loại thức ăn - trong đó có cả phân gia cầm, gia súc - từ các trại nuôi cá bè trên lòng hồ.
Tại TPHCM, hàng trăm ngàn hộ dân hằng ngày phải sống cùng các kênh rạch bị nhiễm bẩn và bốc mùi hôi thối vì rác thải và khoảng 1 triệu m3 nước thải sinh hoạt gia đình mỗi ngày. Năm 2003, Nhà nước đầu tư kinh phí để nạo vét khơi thông dòng chảy kênh 19-5 chảy qua địa phận các quận Tân Bình, Bình Tân, Bình Chánh... xây dựng bờ kè nhằm tạo mỹ quan đô thị và cung cấp nước sản xuất nhưng nước của con kênh này đã chuyển màu đen sì, đặc quánh và bốc mùi nồng nặc. “Điểm nóng” ô nhiễm của TPHCM là kênh Tham Lương, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm..., trong đó có tác động không nhỏ của chất thải và rác sinh hoạt. Kết quả quan trắc môi trường mới đây của Chi cục Môi trường TPHCM cho thấy các kênh này bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh ở mức rất cao, trong đó, kênh Tham Lương nhiễm vi sinh vượt tiêu chuẩn trên 190 lần, nồng độ DO vượt tiêu chuẩn 2,6 lần. Tình trạng cũng tương tự ở các địa phương đầu nguồn hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai như Lâm Đồng, Tây Ninh. 30% mẫu xét nghiệm nguồn nước tại thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng có chỉ số nitric vượt quá tiêu chuẩn. Hiện các khu trung tâm đô thị ở tỉnh Tây Ninh vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, các nguồn nước sinh hoạt cứ thế mặc sức đổ ra kênh rạch.
Gần 1 triệu m3 nước thải ra sông mỗi ngày
Kênh rạch trên địa bàn TPHCM đang ô nhiễm quá nặng về mặt hữu cơ và vi sinh. Nồng độ BOD5 ở kênh rạch nội thành vượt tiêu chuẩn cho phép đối với nước mặt loại B từ 6,2-12,1 lần, nồng độ coliform vượt tiêu chuẩn cho phép đối với nước mặt loại B từ 50-1.000 lần. (Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Đua) |
Trong số hơn 8,5 triệu dân đô thị sống ở lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai, tập trung nhiều nhất vẫn là ở lưu vực sông Sài Gòn (5,75 triệu dân). Tất cả các đô thị ở lưu vực này, dù cũ hay mới xây dựng, đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Theo Viện Môi trường và Tài nguyên (Bộ Tài nguyên - Môi trường) hệ thống kênh rạch của các đô thị hằng ngày thải vào nguồn nước sông Đồng Nai trung bình khoảng 992.356 m3 nước thải sinh hoạt. Trong đó có 375 tấn TSS, 244 tấn BOD5, 456 tấn COD, 15 tấn ni tơ, 8 tấn phospho và 46 tấn dầu mỡ thực vật. Trong số các nguồn tiếp nhận nước thải đô thị, sông Sài Gòn tiếp nhận lượng chất thải nhiều nhất với 76,21% tổng lượng nước thải và 66,6% tổng tải lượng BOD5. Trên hệ thống lưu vực này còn có 73 bãi rác thải mà phần lớn đều chưa được thiết kế hợp vệ sinh, chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác.
Mức độ ô nhiễm của các nguồn thải này rất cao.
Nguy cơ cạn nguồn nước
Theo dự báo của Bộ Tài nguyên - Môi trường, tính đến năm 2020, lượng nước cần dùng cho nhu cầu sinh hoạt và khu công nghiệp tập trung tại TPHCM sẽ từ 1 triệu m3/ngày đêm lên 3,2 triệu m3/ngày đêm; Đồng Nai, Bình Dương từ 300.000 m3/ngày đêm lên 1 triệu m3/ ngày đêm... Đây là một áp lực đối với các nhà quản lý trước thực trạng con sông Đồng Nai đang chết lâm sàng như hiện nay.
Theo ông Trần Thế Ngọc, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, việc nâng cao ý thức cộng đồng bảo vệ môi trường là điều cấp bách. Người dân cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước cần thay đổi quan niệm từ “yêu cầu Nhà nước bảo vệ môi trường” sang “cùng Nhà nước bảo vệ môi trường”. Ông Jordan Ryan, nguyên Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, từng nhận định: Việt Nam cần xây dựng chiến lược quản lý tài nguyên nước vì có như thế mới đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Các khoản tài trợ mới sẽ không thu được kết quả nếu chúng không được khai thác và điều phối bởi một hế thống quản trị tài nguyên nước tốt.
Bình luận (0)