Giữa tháng 3-2015, đang là vụ đông - xuân nhưng nhiều cánh đồng ở các thôn, xã của các huyện Thuận Nam, Bác Ái, Ninh Phước… ở tỉnh Ninh Thuận ngập một màu vàng cháy của rạ khô, cỏ úa. Cảnh tượng chẳng khác gì sa mạc.
Cứ nắng thế này thì kiệt quệ!
Giữa cái nóng như đổ lửa ở thôn Vụ Bổn, xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam, bà Đàng Thị Hương, trạc 50 tuổi, da đen nhẻm, lầm lũi mót những trái bắp non khô quắt còn sót lại trên mảnh vườn nứt đất. Sau đó, bà tranh thủ cắt những túm cỏ héo vàng cho vào giỏ.
“Nhà có 5 miệng ăn, sống nhờ 2 sào ruộng nhưng đã bị nắng hạn “cướp” mất. Tôi phải đi cắt cỏ bán cho mấy hộ nuôi cừu, phụ với tiền làm thuê của chồng hơn 50.000 đồng/ngày lo cái ăn cho 3 người con” - bà Hương bộc bạch.
Ngược lên hướng Tây theo Quốc lộ 27, chúng tôi về xã miền núi Phước Trung - “tâm hạn” của huyện Bác Ái. Đang còn mùa xuân nhưng ở đây nắng nóng như chảo lửa. Trên con đường lởm chởm đá dẫn về thôn Đồng Dày, anh Pinăng Thét gò lưng trên chiếc xe đạp, phía sau là bao cỏ và bó củi bé được buộc tuềnh toàng. Anh Thét bảo phải đạp xe ra xã Mỹ Sơn, cách nhà hơn chục cây số, mới kiếm được chừng ấy. “Cỏ cho 2 con nghé - tài sản lớn nhất của gia đình, còn củi để đun… Cứ nắng thế này thì dân tình kiệt quệ mất!”.
Do nắng hạn nên từ nhiều tháng qua, hầu hết ruộng, rẫy ở xã Phước Trung bị bỏ hoang. “Nguồn nước khô kiệt, người còn không đủ xài lấy đâu lo cho cây trồng” - ông Trần Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Phước Trung, than thở. Từ đầu tháng 2 đến nay, cách nhật, UBND tỉnh phải điều động xe chở nước sạch từ xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải lên xã vùng cao này để cung cấp cho hơn 550 hộ dân địa phương.
Thống kê sơ bộ cho biết đã có 30 ha lúa, 10 ha bắp của đồng bào Raglai ở 2 thôn Tham Dú, Đồng Dày của xã Phước Trung bị chết khô; gần 3.000 con cừu, hơn 2.000 con bò có nguy cơ chết đói vì không còn cỏ ăn, nước uống.
Lây lất qua cơn hạn
Xã vùng sâu Nhị Hà, huyện Thuận Nam, cách TP Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 20 km về hướng Tây Nam, là một trong những địa phương có nhiều hộ chăn nuôi nhất tỉnh Ninh Thuận. Từ đầu tháng 3 tới nay, do không còn thức ăn và thiếu nước, nhiều hộ buộc phải “di cư” gia súc đi nơi khác để tránh hạn.
Cùng cháu trai tất tả lùa gần 100 con cừu chăn thuê về vùng cuối kênh Nam, giáp ranh huyện Ninh Phước, anh Thành Thanh Lễ than vãn: “Hơn 9 tháng rồi không mưa, đến gai xương rồng cũng héo úa, lấy gì cho bầy cừu ăn uống nên phải chạy hạn thôi”.
Không chỉ xã Nhị Hà, ngày ngày hàng ngàn bò, dê, cừu ở những vùng khô hạn trong tỉnh được đưa về các cánh đồng cuối kênh Nam, kênh Bắc, sông Lu, sông Cái... Nhưng rồi khát vẫn khát, do bầy đàn quá đông. Nhiều chủ trang trại phải chi 40.000-50.000 đồng/ngày để mua nước giếng khoan của nông dân cho chúng uống tạm.
Trên những cánh đồng đổ lửa dọc Quốc lộ 1 từ thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước) đến Phước Nam, Phước Ninh (huyện Thuận Nam), từ sáng sớm đến tối mịt luôn có đến vài ngàn con cừu, dê, bò tranh nhau từng cọng cỏ cháy để lây lất qua cơn hạn.
Giải pháp chống chọi tạm thời của các chủ nuôi lúc này là trữ rơm rạ nhưng bây giờ thứ này cũng tăng giá vùn vụt, lên đến 600.000-700.000 đồng/xe bò.
40 tỉ đồng đào ao, khoan giếng
Ước tính hiện có 8.000 hộ dân với gần 35.000 khẩu ở tỉnh Ninh Thuận bị đói giáp hạt do hạn hán. Ông Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trước tình hình hạn hán kéo dài, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền các huyện kiểm tra lượng nước hệ thống hồ, đập để tưới tiêu hợp lý cho diện tích ít ỏi còn lại của vụ đông - xuân. Về nguồn kinh phí 40 tỉ đồng mà Chính phủ đồng ý hỗ trợ Ninh Thuận để chống hạn, tỉnh sẽ dành cho đào ao, khoan giếng, mua nhiên liệu bơm tưới và vận chuyển, cung cấp nước uống cho bà con, đặc biệt là những vùng không còn nước sinh hoạt.
Bình luận (0)