Theo thông tin ban đầu, khoảng hơn 14 giờ, các công nhân phát hiện ngọn lửa bốc lên từ khu xưởng sản xuất của đơn vị liền kéo đến chữa cháy.
Khi họ đang dập lửa thì bỗng dưng có một tiếng nổ lớn. Trong phút chốc, ngọn lửa bao trùm. Vụ cháy nổ khiến khói bụi bay mù mịt, tiếng kêu cứu thất thanh, nhiều người gục xuống quằn quại, kẹt trong đám cháy.
Ngay lập tức, những người bên ngoài đã tìm cách tiếp cận, kéo hàng chục người bị thương đang trong tình trạng rất hoảng loạn ra ngoài. Tổng cộng, có tất cả 23 người đã phải nhập viện cấp cứu sau đó.
Sở PCCC Đồng Nai đã điều 2 xe chữa cháy và 40 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường. Sau 2 giờ chữa cháy, lửa mới hoàn toàn được dập tắt.
Các nạn nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất
Bệnh viện Thống Nhất chiều 30-10 gần như náo loạn khi hàng chục bệnh nhân nhập viện ồ ạt. Các bác sĩ cho biết hầu hết các nạn nhân đều bị phỏng cấp độ 2-3; có trường hợp phỏng nặng 60-70% cơ thể.
Khi nhận tin cấp báo, lực lượng y tế đã phải điều 7 xe cấp cứu đến hiện trường. Đến 19 giờ, 21 người bị phỏng nặng đã được chuyển lên các bệnh viện ở TPHCM để tiếp tục điều trị.
Bác sĩ Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Phỏng - Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: "Có 15 nạn nhân được chuyển đến vào khoảng 17 giờ 50 phút. Người bị nặng nhất là đàn ông, diện tích phỏng lên đến 72 % cơ thể, người bị nhẹ nhất khoảng 8%".
Các nạn nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Trong số 15 nạn nhân nhập viện có 1 phụ nữ. Nạn nhân lớn tuổi nhất sinh năm 1965, nhỏ nhất sinh năm 1996. Tất cả họ đều là những công nhân nghèo khó, đi làm xưởng gỗ để sinh sống qua ngày.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bác sĩ Đạo nhấn mạnh: “Sau khi nhập viện, các nạn nhân được chống sốc phỏng, được các bác sĩ kê thuốc giảm đau và kháng sinh nhằm phòng ngừa bội nhiễm. Bệnh nhân phỏng sâu sẽ được cắt bỏ hoại tử và ghép da sau đó”.
Một nạn nhân nằm im lìm với vết phỏng loang lổ và đầu tóc bị cháy rụi.
Ngồi thất thần bên hành lang Khoa Phỏng, một cô gái trẻ với khuông mặt ủ dột cho biết: “Gia đình tôi có 3 người làm xưởng gỗ này, giờ thì 2 anh trai tôi bị phỏng nặng, gia đình cũng không khá giả mấy. Không biết họ phỏng nặng hay nhẹ, có để lại di chứng gì hay không?”.
Khoa Phỏng huy động toàn bộ bác sĩ, điều dưỡng và "mượn thêm" bác sĩ các khoa khác.
Người nhà nạn nhân bơ phờ bên hành lang khoa phỏng
Buồn bã không kém, chị Phạm Thị Mỹ Lệ (SN 1985) cho biết em trai chị là Phạm Quốc Sang (SN 1994) đang làm vịêc trong xưởng thì nghe một số công nhân khác la cháy nên chạy vào dập lửa nhưng không ngờ bị lửa táp vào toàn thân.
“Thấy nó đau đớn mà cả nhà rớt nước mắt” - chị Lệ rầu rĩ.
DNTN Đức Tâm có khoảng 200 công nhân. Ban đầu, cơ quan chức năng xác định nơi xảy ra nổ lớn chính là chỗ đặt lò sấy ở khu vực sản xuất của công ty.
Đến tối cùng ngày, Công an tỉnh Đồng Nai vẫn đang phối hợp với Sở PCCC khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Bình luận (0)