Trong bộ tiêu chí đánh giá thôn văn hóa do huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên đưa ra có tiêu chí quản lý tốt các ban, nhóm nhạc tự phát và các điểm hát cho nhau nghe, karaoke gia đình, nếu chưa tốt thì trừ 1,5 điểm. Thế là, khi bình xét thôn văn hóa năm 2013, cả 5 thôn ở xã Hòa An đều bị trừ điểm vì vi phạm chuyện hát hò!
Muốn hát phải đăng ký
Theo ông Phan Thanh Diễn, cán bộ phụ trách văn hóa xã Hòa An, xã đã yêu cầu người dân muốn hát phải đăng ký và được xã cho phép. Tuy nhiên, chuyện hát hò là nhu cầu cá nhân, ai lại đăng ký, thành thử rất dễ vi phạm.
Còn ông Nguyễn Ngọc Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An, phân trần việc xây dựng bộ tiêu chí để xét công nhận danh hiệu khu phố, thôn, buôn văn hóa dựa trên Thông tư 12 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) quy định chi tiết về việc công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (GĐVH); thôn, buôn, làng văn hóa nhưng mỗi huyện, thị lại đưa ra một bộ tiêu chí khác nhau “cho phù hợp” với tình hình địa phương.
Thế nào là phù hợp với địa phương, không ai biết chắc cả. Đơn cử như ở huyện Phú Hòa, nếu hát karaoke, gia đình không xin phép là vi phạm, bị trừ điểm trong khi tại TP Tuy Hòa, nhạc từ các loa trên xe bán kẹo kéo ầm ầm suốt đêm vẫn là khu phố văn hóa. “Tôi thấy việc đưa ra một số tiêu chí để công nhận danh hiệu văn hóa không phù hợp, làm giảm đi phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương” - ông Khoa nhìn nhận.
Cạn tiền in giấy chứng nhận
Cán bộ thực hiện vận động các hộ dân xây dựng đời sống văn hóa thừa nhận có tình trạng chạy theo phong trào để được công nhận danh hiệu. Nếu căn cứ đúng Thông tư 12 của Bộ VH-TT-DL thì sẽ không có nhiều khu phố, thôn, buôn, gia đình nhận danh hiệu đến thế.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Nghị - trưởng thôn Phú Mỹ, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam - khoe địa phương phấn đấu lâu nay, vừa mới được công nhận là thôn văn hóa. Theo ông Nghị, toàn thôn có gần 90% hộ đạt danh hiệu GĐVH, mấy năm trước do có trường hợp sinh con thứ 3 nên thôn không được công nhận là thôn văn hóa.
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 307.076 hộ gia đình được công nhận GĐVH, chiếm tỉ lệ 81,4%, trong đó gần 67% hộ GĐVH 3 năm liền trở lên. Số liệu cho thấy tỉ lệ danh hiệu văn hóa đạt được năm sau thường cao hơn năm trước.
Tại phường 3, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, bà Phạm Thị Thúy Vi - Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” phường 3 - cho biết phường này vừa xét công nhận trên 1.300 GĐVH trong tổng số gần 1.700 gia đình. Nếu áp dụng đúng theo Nghị định 42 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng, mỗi GĐVH được khen thưởng 0,1 lần mức lương tối thiểu chung thì phường không có tiền để khen nên đành chọn ra 20 GĐVH tiêu biểu và 4 GĐVH xuất sắc để khen thưởng với mức 20.000 đồng cho mỗi GĐVH và 50.000 đồng cho mỗi GĐVH xuất sắc. “Vì nhiều GĐVH quá nên đến giấy chứng nhận GĐVH phường cũng không có tiền để in” - bà Vi than thở.
Nơi dễ dãi, nơi khắt khe
Theo ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, việc tổ chức, đăng ký, bình xét, kiểm tra, công nhận và công nhận lại các danh hiệu văn hóa tại nhiều nơi làm qua loa, chiếu lệ, thiếu chặt chẽ, chạy theo thành tích...
Ông Hài nhận xét số liệu GĐVH vào các năm đều dao động, ngoài việc có thêm các gia đình được công nhận GĐVH còn có các gia đình đã trở thành GĐVH trước đó nhưng bị tước danh hiệu vì không đáp ứng được yêu cầu.
Còn bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Yên, thừa nhận một vài địa phương chạy theo thành tích trong xây dựng các danh hiệu văn hóa. Năm 2012, đã có 2 thôn ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa đạt danh hiệu thôn văn hóa nhưng bị huyện rút danh hiệu.
Trong khi nhiều địa phương còn đặt nặng hình thức với các danh hiệu văn hóa thì tỉnh Cà Mau chủ trương loại bỏ những hư danh, đi vào chiều sâu, chất lượng.
Theo ông Dương Hoàng Giang - Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và GĐVH Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau - trước đây, tỉnh có đến 90% gia đình đạt chuẩn văn hóa. Con số này còn nặng về hình thức, nhiều danh hiệu trong số đó không phản ánh đúng thực tế. Trong bối cảnh đó, ngày 13-7-2012, UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định 09 kèm theo quy định tiêu chuẩn, quy trình, thẩm quyền công nhận và khen thưởng các danh hiệu văn hóa với nhiều tiêu chí thiết thực.
Trong quy định mới, hằng năm, trưởng ban công tác mặt trận ấp, khóm chủ trì phối hợp với trưởng ấp, khóm họp dân, bình bầu GĐVH và phát động các hộ gia đình tự nguyện đăng ký danh hiệu GĐVH năm sau. Căn cứ vào biên bản bình xét ở ấp, khóm, ban thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã xem xét, lựa chọn những hộ có từ 60% trở lên số người đại diện từng hộ trong khu dân cư thống nhất đề nghị (bằng cách bỏ phiếu kín) để lập danh sách đề nghị chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định công nhận danh hiệu GĐVH. Danh hiệu này chỉ có giá trị trong vòng 1 năm. Đồng thời, thực hiện theo công văn của Bộ VH-TT-DL thì những gia đình đạt chuẩn văn hóa hiện nay không còn gắn biển trước nhà và chỉ được cấp giấy chứng nhận nếu đạt chuẩn 3 năm liên tiếp.
“Nếu xét theo tiêu chí mới thì một gia đình đăng ký danh hiệu GĐVH phải phấn đấu nhiều mới có thể đạt được, từ đó người dân ý thức và coi trọng vấn đề xây dựng GĐVH hơn. Khác hẳn với trước đây, việc công nhận GĐVH quá dễ dàng, thậm chí các địa phương cũng xét tặng danh hiệu cho đủ số lượng để đạt danh hiệu ấp văn hóa, xã văn hóa. Do đó, người dân coi danh hiệu GĐVH là chuyện đương nhiên, không cần phấn đấu hay gìn giữ dẫn đến phong trào cũng đánh mất nhiều ý nghĩa” - ông Giang nhìn nhận.
Không nên hạ tiêu chí Qua các đợt sàng lọc khắt khe, tỉ lệ GĐVH tại Cà Mau từ 90% giảm còn 51%. Các khóm, ấp văn hóa cũng chỉ còn 21% và không có xã nào đạt chuẩn văn hóa. “Nhiều ý kiến cho rằng các tiêu chí cần mở rộng hơn, nếu không sẽ rất khó có xã đạt danh hiệu xã văn hóa. Tuy nhiên, chủ trương của tỉnh là phải hướng đến chất lượng, thậm chí cần phải giám sát chặt hơn nữa để tránh hiện tượng một số địa phương vì thành tích mà dễ dãi, không thực hiện nghiêm quy định” - ông Dương Hoàng Giang khẳng định. |
Bình luận (0)