Chỉ trong vòng 5 ngày qua, trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Quảng Nam xảy ra 2 vụ cháy xe khách giường nằm. Còn trên tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, từ đầu tháng 2 đến nay cũng xảy ra ít nhất 2 vụ cháy xe khách.
Xe cháy liên tục
Vụ việc mới nhất xảy ra vào lúc 10 giờ ngày 8-2. Xe khách 51B-056.25 loại 16 chỗ chở 14 hành khách hướng từ Tiền Giang về TP HCM, khi đến Km 47 trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương thì bốc cháy. Lực lượng PCCC đã điều xe chữa cháy đến hiện trường dập lửa. Do đám cháy bùng lên dữ dội nên khi ngọn lửa được khống chế cũng là lúc chiếc xe còn trơ khung. Rất may là khi phát hiện cháy, tài xế đã nhanh trí tấp vào lề, mở cửa cho hành khách thoát thân.
Trước đó, trưa 4-2, xe khách 29 chỗ chạy hướng từ Tiền Giang về TP HCM, lúc đến Km 17 cao tốc TP HCM - Trung Lương cũng bất ngờ cháy rụi.
Khoảng 7 giờ 30 phút ngày 7-2, trên tuyến đường tránh thị trấn Đức Phổ, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, xe khách 43B-019.36 chở 4 nhân viên nhà xe và 10 hành khách chạy từ TP HCM về Đà Nẵng bỗng nhiên phát nổ rồi bốc cháy. Nguyên nhân ban đầu được xác định là bố thắng quá nóng, cọ xát gây nổ bánh xe, dẫn đến bốc cháy.
Sáng 8-2, một xe khách giường nằm chạy trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận đèo Lò Xo (xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) cũng bị cháy rụi. Đây là vụ cháy xe khách thứ 2 trong vòng 5 ngày qua trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Quảng Nam. Trước đó, vào khoảng 6 giờ ngày 3-2, xe khách giường nằm 42 chỗ trong lúc lưu thông trên đường Hồ Chí Minh qua địa phận xã Phước Xuân (huyện Phước Sơn) đã cháy trơ khung...
Nguyên nhân hàng đầu: Xăng kém chất lượng?
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, phân tích có nhiều nguyên nhân liên quan đến kỹ thuật có thể dẫn đến cháy ô tô, như: rò rỉ nhiên liệu; hệ thống làm mát, xả khí không bảo đảm; hệ thống dẫn điện bị chập hoặc quá tải; hệ thống truyền động phát nhiệt quá mức (ví dụ má phanh bị ma sát nhiều gây nóng, đỏ); vận chuyển hàng hóa dễ cháy nổ nhưng không bảo đảm yếu tố phòng ngừa.
Theo ông Trí, trong rất nhiều nguyên nhân đó có lỗi kỹ thuật của phương tiện. Chẳng hạn, nhiều chủ xe lắp thêm thiết bị điện không được kiểm soát như tủ đá, tivi, đầu đĩa. Các thiết bị điện được lắp đặt thêm này không có trong thiết kế của xe, gây quá tải cho hệ thống điện. Việc sử dụng dây điện không chuyên dụng, mối nối không chặt chẽ cũng tiềm ẩn nguy cơ chập cháy. Thêm vào đó, xe có các vật liệu chống cháy như vách ngăn nhưng trong quá trình sửa chữa, chủ xe đã thay thế vật liệu khác không bảo đảm chất lượng, khả năng bắt lửa cao.
“Cục Đăng kiểm đã chỉ đạo hệ thống đăng kiểm xe cơ giới toàn quốc lưu ý kiểm định hệ thống điện, đặc biệt là với xe khách, để phát hiện và ngăn ngừa các trường hợp tự đấu nối điện, lắp thêm các thiết bị sử dụng điện, trừ thiết bị giám sát hành trình” - ông Trí nhấn mạnh.
Một chuyên gia trong lĩnh vực lọc hóa, xăng dầu tại TP HCM cho rằng ngoài những nguyên nhân nêu trên, một “nghi phạm” đáng chú ý khác chính là xăng. Theo phân tích của chuyên gia này, xăng pha methanol, ethanol kém chất lượng và pha không đúng kỹ thuật sẽ làm cho hệ thống ống dẫn bị phá hủy hoặc tạo áp suất hơi nhiêu liệu cao, gây rò rỉ xăng. Khi xăng rò rỉ gặp nguồn nhiệt cao hay tia lửa, tia lửa điện, nguồn ma sát lớn sẽ phát lửa gây ra cháy xe.
“Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ cháy xe trước đây. Do đó, để xác định chính xác nguyên nhân cháy xe thì cần kiểm tra kỹ lại nguồn nhiên liệu cùng hệ thống máy móc của xe” - vị chuyên gia nhấn mạnh.
Xe cải hoán, nguy cơ cháy cao
Kỹ sư Lê Văn Tạch (Công ty Toyota Việt Nam) cho biết thông thường có 3 khả năng xảy ra với một chiếc ô tô đang hoạt động mà bị bốc cháy.
Thứ nhất, một đoạn dây điện nào đó trên xe bị quá tải do bị chạm, chập nhưng cầu chì bảo vệ không hoạt động. Khi đó, lõi dây điện nóng lên rất nhanh làm cháy vỏ dây điện rồi nhanh chóng lan sang các vật liệu dễ cháy trên xe.
Thứ hai, tại các điểm tiếp xúc hoặc tiếp mát của dây điện có vị trí bị lỏng hoặc dây điện bị hở lõi... gây tia lửa, khi gặp phải hơi nhiên liệu do bị rò rỉ sẽ bùng lên thành ngọn lửa, sau đó lan nhanh sang các vật liệu dễ cháy trên xe.
Thứ ba, có ngoại vật dễ cháy dính vào cổ xả. Khi xe chạy lâu làm cổ xả nóng lên gây cháy ngoại vật, từ đó lan sang các vật liệu dễ cháy khác.
Liên quan đến các vụ cháy xe giường nằm thời gian qua, kỹ sư Lê Văn Tạch đưa ra khuyến cáo về tình trạng cải hoán xe tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Đó là do hệ thống điện của xe khi cải tạo xe ghế ngồi thành xe giường nằm bị thay đổi, gây mất an toàn.
“Ở Việt Nam, tỉ lệ hoán cải xe rất lớn, từ xe ghế ngồi sang xe giường nằm dẫn đến có sự thay đổi về thiết kế hệ thống điện, tải điện và nhiều chi tiết khác. Khi các hệ thống này lắp đặt vào rồi rất khó kiểm tra” - kỹ sư Tạch cảnh báo.
Bình luận (0)