Góp ý về dự Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, đại biểu (ÐB) Lê Trọng Sang (TPHCM) nêu thực trạng ở TPHCM có nhiều tòa nhà cho thuê, bãi đỗ xe, nhà xưởng… Khi xảy ra cháy, chủ đầu tư là người phải chịu trách nhiệm nhưng thủ phạm gây ra hỏa hoạn lại là người thuê văn phòng, chỗ ở... "Luật phải quy định người sử dụng phải chịu trách nhiệm khi xảy ra hỏa hoạn" - ông Sang đề xuất.
Liên quan đến vấn đề bồi hoàn khi xảy ra hỏa hoạn, ÐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) nhận xét dự thảo chỉ mới đề cập trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và bỏ quên chủ hộ gia đình.
ÐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho biết thực tế hiện nay, khi xảy ra hỏa hoạn, chỉ thấy lực lượng chức năng... đứng ngó vì không có máy bay tiếp cận hiện trường dẫn đến nạn nhân không chết vì cháy thì cũng chết, bị thương vì nhảy từ tầng cao xuống.
Bà Lan đề nghị có tỉ lệ ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này. "Luật phải quy định phối hợp với quân đội chứ thủ tục xin phép sử dụng máy bay như hiện nay là không ổn vì khi đến nơi thì đã cháy xong và người cũng đã chết" - bà Lan nhận định.
Tuy nhiên, theo bà Lan, nếu chỉ trông chờ vào Nhà nước thì không đủ kinh phí. Do vậy, việc quy định mua bảo hiểm cháy, nổ với mọi đối tượng sẽ là một giải pháp hợp lý.
Bàn về việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào, ÐB Ðỗ Văn Ðương (TPHCM) nêu việc có ý kiến băn khoăn nếu ký với Lào thì Campuchia, Trung Quốc liệu có áp dụng không?
Về vấn đề này, ÐB Trần Du Lịch (TPHCM) đồng tình việc ký với Lào nhưng "không đồng ý mở rộng và tạo tiền lệ cho các nước khác".
Tranh luận về việc này, ÐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nói: "Chúng ta lấy cớ gì để chỉ áp dụng với Lào vì Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược nhiều nước. Do vậy, cần cân nhắc việc này để có giải thích thỏa đáng".
Thảo luận dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, nhiều ÐB cho rằng nên hạn chế tối đa các loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT.
Theo luật hiện hành, có 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế. Dự thảo giữ nguyên tổng số 25 nhóm nhưng có sự điều chỉnh đối với 6 nhóm theo hướng tăng thêm loại hàng hóa, dịch vụ trong nhóm.
ÐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng quy định này chưa phù hợp với chiến lược cải cách thuế đến năm 2020. Mặt khác, đây là loại thuế đánh vào người mua nên càng nhiều đối tượng không chịu thuế thì doanh nghiệp càng mất quyền khấu trừ đầu vào và việc sản xuất, kinh doanh sẽ khó khăn hơn.
Bình luận (0)