Ngày 3-10, tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) phối hợp với Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo “Thủy điện miền Trung và sự tham gia của người dân”.
Không biết lúc nào gặp nạn
Tại hội thảo, nhiều người dân chịu thiệt hại nặng nề từ thủy điện tỏ ra bức xúc trước việc thủy điện mọc lên quá nhiều. Hơn 50 năm sinh sống ở vùng hạ lưu sông Vu Gia (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), bà Nguyễn Thị Nga cho rằng người dân hạ lưu đã mất quá nhiều sau khi các dự án thủy điện triển khai ở thượng nguồn.
Cùng tâm trạng, bà Phan Thị Qua (ngụ xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) kể từ khi nhượng đất cho dự án thủy điện, nhiều người dân mất đất sản xuất, phải đối diện với muôn vàn khó khăn như thất nghiệp, nghèo đói...
Đánh giá tác động của các công trình thủy điện đối với môi trường, ông Nguyễn Minh Tuấn, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, công bố con số hơn 3.600 ha rừng tự nhiên của tỉnh đã biến mất sau khi phát triển thủy điện. Riêng thủy điện Sông Tranh 2 đã hứng chịu 75 trận động đất trong năm 2012 và làm cho 1.600 ngôi nhà bị nứt.
Ngoài ra, hệ thống thủy điện cũng phá hủy các hệ sinh thái tự nhiên, thủy sản ở các sông. Theo khảo sát của VRN, lượng cá, tôm người dân khai thác được trên sông Hương đã giảm 50%-70% sau khi có thủy điện Bình Điền ở tỉnh Thừa Thiên - Huế .
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Hạt, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên, cho rằng người dân vùng hạ lưu của thủy điện chưa rõ gặp nạn lúc nào. “Để cho dân khỏi đau tim, chi bằng loại bỏ các dự án thủy điện không an toàn. Hãy đặt lợi ích của dân lên trên lợi ích nhóm, đối tượng phục vụ là người dân chứ không phải là người khai thác!” - ông Hạt nhấn mạnh.
Minh bạch trong phê duyệt dự án thủy điện
Nhiều đại biểu đánh giá phần lớn các dự án thủy điện đều thực hiện khâu đánh giá tác động với môi trường. Tuy nhiên, quá trình này chỉ mang tính hình thức và còn sơ sài. Ông Nguyễn Minh Tuấn kể ông đã xem qua hàng chục dự án thủy điện. Trong số đó, 9/10 dự án thủy điện đều có báo cáo tác động môi trường na ná nhau. Vì vậy, ông Tuấn đề nghị nhà nước xây dựng quy định rõ ràng và giám sát chặt chẽ khâu đánh giá tác động môi trường.
Sau khi nghe ý kiến của người dân và các bên liên quan cũng như đi thực địa tại Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 4 và thôn tái định cư Nước Lang (xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), ông Đào Trọng Hưng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - cho rằng nhà nước cần xem lại quy trình phê duyệt dự án thủy điện và phải minh bạch cho dân biết.
Theo bà Nguyễn Thụy Khanh, điều phối viên VRN, Việt Nam chưa có quy hoạch tổng thể về ngành năng lượng. Vì vậy, cần dừng ngay các dự án thủy điện để tập trung giám sát những công trình đã xây dựng, song song với thực hiện chính sách an dân, tái định cư để nhà quản lý khỏi đau đầu lo giải quyết hậu quả.
Về lâu dài, cần nghiên cứu việc sử dụng năng lượng tái tạo thay thế như năng lượng từ gió, ánh nắng mặt trời… “Đa dạng hóa năng lượng là giải pháp thông minh nhất mà các nước trên thế giới đang thực hiện. Thủy điện không phải là giải pháp cuối cùng để phải đánh đổi quá nhiều thứ như vậy” - bà Khanh nhấn mạnh.
Bình luận (0)