Theo Tổng cục Thủy lợi, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế hiện có hàng trăm hồ thủy điện và thủy lợi lớn nhỏ. Phần lớn các hồ đã đầy nước. Nhiều hồ vì khai thác đã lâu nên đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, nếu mưa lớn kéo dài có thể gây sự cố vỡ hoặc tràn.
Triển khai các phương án ứng cứu
Để bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu các địa phương tiếp tục hạ thấp mực nước hồ đến mức bảo đảm an toàn, đồng thời có giải pháp ứng phó kịp thời nếu xảy ra sự cố.
Hiện nay, đập thủy lợi Ea Đing, xã Ea Tân, huyện Krông Năng bị sạt lở một đoạn dài khoảng 15 m, chiều rộng thân đập hiện chỉ còn 1/2 (khoảng 2 m) so với trước đây. Trong khi đó, mực nước trong hồ vẫn ở mức cao. Theo nhận định của cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk, đập này có nguy cơ vỡ nếu tiếp tục mưa lớn.
Trong khi đó, chiều 30-9, ông Huỳnh Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk - cho biết Công ty CP Điện Buôn Đôn, chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 4A, vừa khắc phục cơ bản sự cố vỡ kênh dẫn dòng và đang thống kê thiệt hại của người dân.
Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 29-9, kênh dẫn dòng thủy điện Sêrêpốk 4A đã bị vỡ 2 đoạn tại khu vực qua 2 buôn Giang Pông và N’Drếch, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn. Ngay sau đó, nước từ kênh thủy điện đổ mạnh xuống khu vực canh tác của người dân, gây thiệt hại khoảng 4 ha cây trồng.
Theo ông Quang, tấm chắn cửa dẫn nước vào nhà máy thủy điện không nâng lên được, trong khi nước từ thượng nguồn đổ về lớn gây dồn ứ nên dẫn đến sự cố. Còn theo phản ánh của người dân, trước khi sự cố xảy ra, họ đã phát hiện đoạn kênh này rò rỉ nước và phản ánh nhưng không được chủ đầu tư xử lý kịp thời.
Loay hoay xử lý sự cố cũ
Chiều cùng ngày, ông Huỳnh Cân - Chánh Văn phòng UBND huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai - cho biết sau hơn 3 tháng xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2, đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành việc đền bù thiệt hại cho người dân.
Trước đó, đập thủy điện Ia Krêl 2 vỡ gây thiệt hại cho 143 hộ dân thuộc 7 làng của xã Ia Dom, huyện Đức Cơ. Tổng số tiền đền bù được thống nhất giữa chủ đầu tư, Công ty Bảo Long - Gia Lai, với chính quyền địa phương và người dân bị thiệt hại là hơn 1,7 tỉ đồng.
Từ chiều 28-9, chủ đầu tư và đại diện chính quyền địa phương đã tiến hành đền bù cho người dân và dự kiến sẽ hoàn thành trong ngày 30-9. Tuy nhiên, đến cuối ngày 30-9, chỉ có 52 hộ nhận đền bù tổng cộng 450 triệu đồng. Theo ông Cân, UBND huyện sẽ báo cáo lên tỉnh để có biện pháp đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh việc giải quyết hậu quả.
Đại diện Công ty Bảo Long - Gia Lai, ông Nguyễn Ngọc Ẩn, cho biết nguyên nhân chậm trễ là do chưa có vốn nhưng công ty sẽ cố gắng kết thúc đền bù cho người dân trong tuần sau. Theo ông Ẩn, chủ đầu tư đã thuê đơn vị khảo sát hiện trạng sự cố để có biện pháp xử lý. Nếu được Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Gia Lai cho phép, chủ đầu tư sẽ xây lại thủy điện vào tháng 12 tới.
Vẫn chưa tìm được 3 công nhân thủy điện mất tích Đại tá Nguyễn Đình Triết - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên, Phó Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh - cho biết đến cuối ngày 30-9, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm được 3 công nhân mất tích khi nước lũ tràn vào công trình thủy điện La Hiêng tại xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân (Báo Người Lao Động số ra ngày 28-9 đã thông tin). Trong ngày 30-9, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tiếp cận chiếc xe tải bị nước lũ cuốn vào đường hầm dẫn nước cách cửa hầm 1.300 m. Tuy nhiên, bên trong xe không có nạn nhân nào. Hiện vẫn còn khoảng 300 m hầm đang ngập đầy nước. Do hệ thống bơm bằng máy nổ liên tục bị trục trặc vì thiếu ôxy, trong ngày, lực lượng cứu nạn phải huy động máy bơm điện để hút nước ra ngoài. Như Báo Người Lao Động phản ánh, do nhà thầu Trung Quốc thi công ẩu nên khi nước lũ về tối 26-9 đã tràn vào đường hầm dẫn nước thủy điện La Hiêng làm 3 công nhân đang thi công bên trong bị kẹt lại.
H.Ánh
|
Bình luận (0)