Theo đánh giá từ các đại biểu, tình trạng MBN đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Bọn tội phạm thường dụ dỗ những cô gái tuổi mới lớn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc hoặc có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn… để đưa vào làm việc tại những cơ sở kinh doanh nhạy cảm như: nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke, massge, cắt tóc gội đầu...
Trong khi đó, một số đối tượng MBN lợi dụng những kẽ hở trong công tác quản lý về môi giới hôn nhân, cho và nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, đi du lịch, thăm thân nhân, xuất khẩu lao động (XKLĐ)… để lừa nạn nhân ra nước ngoài bán.
Ngoài ra, bọn tội phạm còn lợi dụng mạng Internet (chat, email, facebook, ĐTDĐ) để tán tỉnh giả vờ yêu đương, dụ dỗ lên biên giới mua hàng hóa, quần áo, điện thoại giá rẻ, tìm việc làm. Sau đó, bọn chúng tổ chức cho nạn nhân vượt biên qua đường mòn rồi bán cho các đối tượng bên kia biên giới đưa vào động mại dâm, các cơ sở kinh doanh để bóc lột sức lao động.
Theo số liệu tại hội nghị, tính từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng trong cả nước đã phát hiện 309 vụ MBN với 378 đối tượng, 490 nạn nhân, tăng 30 vụ so với cùng kì năm 2011. Chỉ riêng trong đợt cao điểm đấu tranh, phòng chống tội phạm MBN (từ 20-7 đến 20-9), lực lượng công an đã điều tra, khám khá 181 vụ với 189 đối tượng và giải cứu 237 nạn nhân. Khởi tố điều tra 93 vụ, với 168 bị can; đề nghị truy tố 78 vụ, với 148 bị can. Bắt 19 đối tượng có lệnh truy nã, ra quyết định truy nã 5 đối tượng liên quan đến MBN.
Đại tá Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, cho rằng trong thời gian tới, lực lượng công an và Bộ đội Biên phòng phải làm tốt công tác phối, kết hợp với lực lượng an ninh các tỉnh của nước bạn có chung đường biên để xử lí kịp thời các vụ việc xảy ra. Đồng thời, huy động cả cộng đồng vào cuộc để ngăn ngừa, kiên quyết tấn công đối với loại tội phạm này.
Bình luận (0)