Có lẽ cần truy vấn ngõ hầu tìm một cơ chế tự tri tự ngộ, tầm soát những mầm mống hay nguy cơ để nội trị hơn là hào hứng, hãnh diện hay thành tích bề mặt.
Những thành tựu từ đổi mới kinh tế và hội nhập sâu rộng đem lại những đổi thay nhất định cho đất nước. Tỉ lệ thoát nghèo, thoát đói tăng dần qua các năm. Cơ hội sinh kế, học hành, thăng tiến đến với nhiều người. Báo cáo thu nhập bình quân đầu người qua các năm liên tục tăng lên. Nhưng, trong sự phát triển được coi là năng động, sự chuyển mình được coi là nhanh chóng đó, nếu tự vấn sẽ thấy để lại nhiều hệ lụy tinh thần.
Sự tăng trưởng về trị giá thuần túy đã không đem đến các thay đổi lớn về giá trị sống. Thậm chí, nó đã bộc lộ quá nhiều khiếm khuyết, thiếu một hệ thống giá trị vững vàng để bảo đảm cho phát triển bền vững. Người giàu nhanh, giàu nhờ mánh mung, thực dụng, lạm quyền, phi pháp… ngày càng nhiều. Thường dân nghèo hóa vì tác động môi trường, bệnh tật, quy hoạch kinh tế thiếu tính toán cũng nhiều. Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội gia tăng.
Sự tín thác vào điều thiện, lẽ công bằng chính trực, giá trị tốt đẹp đang bị xói mòn; thay vào đó là những đối phó để sinh tồn. Người Việt thịnh vượng hơn so với hôm qua nhưng sức gắn kết cộng đồng mai một; niềm tin, trách nhiệm với cộng đồng sa sút bởi sự phấp phỏng sinh tồn cũng lớn hơn, thực dụng và ích kỷ hơn bởi ai cũng nghĩ cuộc sống còn quá nhiều bất an. Nhiều người vẫn coi sống là một cuộc đấu tranh khốc liệt hơn là xây dựng tương quan tốt đẹp với tha nhân, cuộc đời.
Những biểu hiện về một xã hội thị trường một lần nữa nhắc nhở rằng các giá trị nền tảng là thứ cần được củng cố, tu sửa trước khi quá muộn. Trước hết, những nhà quản trị quốc gia cần đem lại niềm tin kiến tạo phát triển, cần minh chứng bằng năng lực tự kiện toàn bộ máy, công minh, liêm chính và hướng đến lợi ích nhân dân. Tinh thần thượng tôn pháp luật, kỷ cương phép nước được thực thi sẽ đem lại cho người dân sự bình đẳng, niềm tin vào lẽ công bằng, minh bạch để từ đó họ có thể làm chủ đời sống, xã hội có thể vận hành nền nếp, an toàn.
Hệ giá trị tinh thần, khai phóng, văn minh, coi trọng sáng tạo cần được đề cao. Theo đó, chất lượng an sinh bảo đảm, những gì làm nên một đời sống tinh thần giàu có cho cộng đồng như bảo vệ, kiến tạo môi trường thiên nhiên, môi trường nhân văn cần được chú trọng. Thậm chí, đôi khi phải chấp nhận hy sinh những cơ hội thịnh vượng về kinh tế để hướng đến sự hài hòa, điềm tĩnh để nhận chân giá trị mà quá trình phát triển cần hướng đến.
“Bền vững” có lẽ là chìa khóa hạnh phúc mà chúng ta cần tìm hơn thay vì những bí quyết, mánh lới làm sao để giàu có thật nhanh, thành công thật vội!.
Bình luận (0)