Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Thanh (bài trái) cùng đại diện Báo Người Lao Động trao 20 triệu đồng hỗ trợ cho gia đình chị Nguyễn Thị Lan - Ảnh: Đức Ngọc
Ngày 20-10, Báo Người Lao Động đã phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức trao quà cho người dân bị thiệt hại do mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 11 gây ra tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Tại vùng rốn lũ ở xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn), 4 ngày sau khi cơn lũ quét lịch sử xảy ra, xã Sơn Kim 2 vẫn còn đổ nát, tang thương, nhiều hộ dân đang đối diện với cảnh màn trời, chiếu đất.
Trước đó, ngày 16-10, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11, trên địa bàn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh xuất hiện mưa lớn. Chỉ trong vòng 30 phút, gần 500 hộ dân xã Sơn Kim 2 bị nhấn chìm trong biển nước. Anh Trương Mạnh Tứ (ngụ thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2) bàng hoàng nhớ lại: “Bảy giờ ngày 16-10, nước lũ từ các con suối đổ về cuồn cuộn. Chỉ sau khoảng 30 phút, nước đã ngập lên đến gần đầu, hai vợ chồng chỉ kịp bồng 3 đứa con nhỏ chạy sang nhà hàng xóm thoát thân. Tài sản mất hết cả rồi, gia đình tôi không biết lấy gì để sống”.
Đại diện Báo Người Lao Động trao quà cứu trợ cho một người dân xã Nam Cương, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - Ảnh: Đức Ngọc
Trắng tay, cuộc sống ngày mai chưa biết ra sao là tình cảnh của rất nhiều người dân ở xã Sơn Kim 2. Ông Cao Kỷ Vị, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2, cho biết lũ đã làm ngập nhà của 416 hộ dân, trong đó có 300 nhà bị nước cuốn trôi. “Hơn bao giờ hết, người dân Sơn Kim 2 rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước” - ông Vị nói.
Khi đoàn cứu trợ của Báo Người Lao Động về vùng rốn lũ Sơn Kim 2, nhiều người dân đã không cầm được nước mắt. Cầm trên tay túi quà trị giá 4 triệu đồng do Báo Người Lao Động hỗ trợ, chị Phan Thị Như (ngụ thôn Làng Chè) nghẹn ngào: “Toàn bộ ki-ốt sửa xe máy của gia đình trị giá gần 100 triệu đồng đã bị nước cuốn trôi. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời này thì gia đình tôi không biết lấy gì để sống”.
Những gì còn xót lại của gia đình chị Nguyễn Thị Lan sau trận lũ lụt chỉ là những tấm gỗ trôi nổi khắp nơi được vớt về
Tại thôn Làng Chè, Báo Người Lao Động đã trao cho 2 hộ gia đình có nhà bị nước cuốn trôi 40 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Lan (ngụ thôn Làng Chè), công nhân Nông trường Tây Sơn, xúc động: “Tôi có nằm mơ cũng không nghĩ gia đình sẽ nhận được 20 triệu đồng, đây là lần đầu tiên trong đời tôi được cầm số tiền lớn như vậy. Có tiền, vợ chồng tôi sẽ dựng lại căn nhà”.
Cầm 20 triệu đồng trên tay, chị Võ Thị Giang (ngụ thôn Làng Chè) cho biết nếu không có số tiền này, gia đình chẳng biết sống ra sao. “Sắp tới, vợ chồng tôi sẽ vay mượn thêm để dựng lại căn nhà, bắt đầu một cuộc sống mới sau khi mất trắng vì bão lũ” - chị Giang nói.
Rời xã Sơn Kim 2, cảnh đổ nát, tang thương khiến chúng tôi nhói lòng. Hơn bao giờ hết, người dân vùng rốn lũ Sơn Kim 2 rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ của cả nước.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: "Mỗi khi tỉnh Hà Tĩnh bị thiệt hại do mưa, bão Báo Người Lao Động luôn có những hoạt động cứu trợ kịp, thiết thực đối với người dân. Sự hộ trợ của báo đã góp phần chia sẽ một phần những thiệt hại của người dân, giúp các hộ dân có thể gượng dậy sau bão, lũ".
Trao hàng trăm suất quà
Trong ngày 20-10, đoàn cứu trợ của Báo Người Lao Động đã trao 40 suất quà (4 triệu đồng/suất) cho 40 hộ dân chịu thiệt hại nặng do lũ quét tại xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đại diện Báo Người Lao Động cũng đã trao 50 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho 50 hộ dân ở 2 xã Nam Cương và Nam Phúc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đây là những hộ dân chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của bão số 11.
Cùng ngày, đoàn cứu trợ của Báo Người Lao Động đã phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã trao 160 suất quà đến với người dân sau cơn bão số 11. Những suất quà trên gồm sữa lon, bánh cơm sấy, cá hộp, nước mắm với tổng trị giá hơn 600.000 đồng/suất.
Ông Lê Văn Em, Chủ tịch MTTQ kiêm Chủ tịch Công đoàn xã Điện Hồng, cho biết đây là lần đầu tiên xã nhận được những suất quà hỗ trợ sau cơn bão số 11. Vì thế, chính quyền xã đã chọn những hộ gia đình bị thiệt hại nặng nhất như có nhà sập, tốc mái hoàn toàn, thuộc diện hộ nghèo… để nhận hỗ trợ của Báo Người Lao Động.
Nhận được sự hỗ trợ của Báo Người Lao Động, bà Lê Thị Xin cảm động nói: “Nhà tôi bị tốc mái hoàn toàn, mấy hôm nay phải đi ở nhờ hàng xóm. Nhận được món quà quý giá này, gia đình tôi chân thành cảm ơn Báo Người Lao Động”.
Theo bà Võ Thị Lan, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Điện Bàn, người dân nơi đây đa phần làm nông, đời sống khó khăn nên sau bão càng rất cần những tấm lòng nghĩa tình của người dân cả nước.
T.Minh - Tr.Hân - B.Vân
|
Bình luận (0)