Sáng 22-5, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Đề cập tới 12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cho biết đến nay, một số dự án bước đầu đã có chuyển biến, như các nhà máy sản xuất phân bón và Nhà máy thép tại Lào Cai.
"Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khoá XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước. Đối với những dự án thất thoát, yêu cầu các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty liên quan tập trung giải quyết tồn đọng, có giải pháp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài. Đối với các dự án phục hồi được, phải đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường quản trị doanh nghiệp và thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lỗ và tiến tới có lãi. Có cơ chế chính sách phù hợp đối với từng trường hợp. Đồng thời, xác định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan"- báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Về bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường quản lý và thực hiện nhiều giải pháp về bảo vệ môi trường; kiên quyết thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên; rà soát các dự án thủy điện ở Tây Nguyên, không cấp phép các dự án thủy điện có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái. "Môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung đã trở lại bình thường, sản xuất kinh doanh, khai thác thủy sản phục hồi, đã thu hút được lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng chặt phá rừng, khai thác khoáng sản, cát sỏi trái phép còn diễn ra tại nhiều địa bàn. Sạt lở bờ sông, ven biển xảy ra nghiêm trọng ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long" – Phó Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội.
Báo cáo cho thấy trên cơ sở đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội cả năm 2016, trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được thông qua tại Nghị quyết Quốc hội, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch (gồm: tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,21%, thấp hơn kế hoạch là 6,7% và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 9%, thấp hơn kế hoạch là 10%).
Điểm một số vấn đề trọng tâm, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2017 so với tháng 12-2016 tăng 0,9%; đã tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại các địa phương còn lại. Tín dụng tăng 5,75%, cao nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây; mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm. Ngoài ra, trong 4 tháng có gần 40.000 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký và bổ sung đạt 825.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tăng trưởng GDP quý I/2017 đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ 5,48%. Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 5,1%, chủ yếu do lĩnh vực khai khoáng giảm 9,7%, trong đó dầu thô giảm đến 14,2%; ngành chế biến chế tạo, linh kiện điện tử tăng thấp hơn cùng kỳ.
"Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như Quốc hội đã đề ra. Tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm tăng trường tín dụng phù hợp gắn với nâng cao chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa…" – Phó Thủ tướng thường trực cho hay.
Về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và đang chỉ đạo kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.
Liên quan đến trật tự an toàn xã hội, theo Phó Thủ tướng, Chính phủ coi bảo đảm trật tự an toàn xã hội là một nhiệm vụ quan trọng của hệ thống hành chính, nhất là các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương, cơ sở. Chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương…
Chính phủ cũng cho biết đã thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về quốc phòng an ninh và đối ngoại, góp phần quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế của đất nước. Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; tăng cường năng lực và nâng cao sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời và làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ; bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm và các sự kiện chính trị quan trọng. Kiên quyết đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông; thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật Biển 1982, chủ động, tích cực cùng ASEAN và các bên liên quan thực hiện đầy đủ DOC, phấn đấu sớm hoàn tất COC…
Bình luận (0)