Năm 2012, khi hàng loạt lòng đường, vỉa hè đang cho thuê làm bãi giữ xe và đậu ô tô có thu phí bị lấy lại, các quận - huyện trên địa bàn TP HCM cam kết không để tái diễn việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại những nơi này. Thế nhưng, thời gian qua, lòng đường và vỉa hè vừa lấy lại đã bị lấn chiếm.
Bất chấp lệnh cấm
Đầu năm 2012, quận 1 đã ký cam kết chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giải quyết triệt để việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên các tuyến đường: Lý Tự Trọng, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Cách Mạng Tháng Tám, Lê Duẩn... Vậy mà đến nay, sau 3 năm thực hiện, trên một số tuyến đường vẫn tái diễn tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Đơn cử như đường Lý Tự Trọng đoạn qua phường Bến Nghé (quận 1), nhiều tháng nay, từ sáng sớm đã có hàng chục hàng quán, xe hàng rong chiếm hết vỉa hè, thậm chí tràn xuống lòng đường. Trong khi đó, một bãi giữ xe của Bệnh viện Nhi Đồng 2 (cổng Lý Tự Trọng) với số lượng lên đến hàng trăm chiếc nằm trên vỉa hè sát bệnh viện, chiếm hoàn toàn phần đường dành cho người đi bộ. Phía đối diện, khoảng 5 quán kinh doanh ăn uống và buôn bán thuốc tây cũng để xe lộn xộn, sắp bàn ghế trên vỉa hè… Đó là chưa kể nhiều nhà mặt đường tổ chức kinh doanh, khi khách hàng đến mua thì để xe dưới lòng đường.
Đặc biệt, tuyến đường Bùi Thị Xuân (quận 1) - nguyên nhân khiến chính quyền quyết định “bóp” lại các tuyến đường trưng dụng làm nơi để xe có thu phí vào năm 2012 - sau khi không được phép sử dụng lòng đường làm nơi đậu xe có thu phí thì càng trở nên rối thêm, chứ không hề thông thoáng như kỳ vọng. “Cứ tưởng không cho thuê lòng đường nữa thì sẽ thông thoáng, ai ngờ ngày càng trở nên rối và mất kiểm soát hơn trước” - ông Hùng, tài xế xe ôm nơi đây, bức xúc.
Theo ông Hùng, trên con đường này, ô tô đậu đầy tràn từ sáng đến chiều tối, bất chấp lệnh cấm. Nguy hiểm nhất chính là lúc cơ quan chức năng đi kiểm tra thì ngay lập tức con đường chẳng khác cái chợ với hàng loạt ô tô rời điểm đậu sai quy định. “Cảnh “chạy loạn” này rất nguy hiểm cho người dân khi đi qua con đường này” - ông Hùng nói.
Tương tự, đường Nguyễn Trãi đoạn thuộc các phường 2, 3 (quận 5) cũng thường xuyên có tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh hoặc làm nơi để xe. Tình trạng này diễn ra tấp nập vào cuối giờ chiều mỗi ngày với đủ loại hàng như quần áo, giày dép, mũ bảo hiểm… được bày bán. Vào khoảng 19 giờ mỗi ngày, khu vực này không còn phân biệt được đâu là vỉa hè và đâu là lòng đường do đã bị chiếm dụng gần hết.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tình trạng những vỉa hè, lòng đường sau khi không cho thuê nữa ngay lập tức bị chiếm dụng còn xảy ra ở các quận thuộc khu trung tâm TP cũng như ngoại thành.
Thiếu thực tiễn
Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP, khu vực trung tâm TP đang thiếu rất nhiều bãi giữ xe. Trong khi đó, các lực lượng chức năng chỉ tập trung xử phạt hành vi dừng đỗ sai quy định gây nguy cơ ùn tắc, mất an toàn giao thông. Còn đối với hành vi chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi trông giữ phương tiện, kinh doanh lại ít khi xử phạt. Đó là nguyên nhân khiến các tuyến đường không tiếp tục cho thuê đậu xe bị tái chiếm.
Sở GTVT TP cũng cho rằng để xảy ra tình trạng trên là do địa phương chưa thực hiện đúng như cam kết. Việc thực hiện vẫn khá lỏng lẻo, chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa”. Nhiều địa phương ra quân chấn chỉnh được thời gian đầu, có một số kết quả trước mắt nhưng do kế hoạch không sát thực tiễn nên chỉ sau một thời gian thì tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè lại diễn ra.
Trong khi Sở GTVT khẳng định trách nhiệm thuộc về địa phương thì địa phương lại nại rằng khó làm xuể bởi thiếu bãi giữ xe, thiếu chỗ đậu ô tô. Một cán bộ thuộc UBND quận 5 cho biết thời gian qua, lực lượng trật tự đô thị của quận đã liên tục tổ chức các đợt ra quân chấn chỉnh trật tự lòng lề đường. Tuy nhiên, kết quả vẫn không đạt được như mong muốn. “Không có chỗ giữ xe và đậu ô tô thì người ta biết để ở đâu?” - vị này nêu vướng mắc.
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách quốc gia của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, chuyện hạn chế cho thuê vỉa hè để kinh doanh hay cho trưng dụng lòng đường làm chỗ đậu ô tô có thu phí là đúng. Tuy nhiên, ít nhất các cơ quan chức năng phải đi thực tế xem đoạn đường nào cần cho thuê lòng đường để người đi ô tô có chỗ đậu khi liên hệ công việc; tránh trường hợp chỗ đậu ô tô, gửi xe cách nơi cần đến cả cây số. “Đằng này, cứ thấy phản ánh là lên kế hoạch cắt, bất chấp hậu quả đoạn đường đó nếu không cho thuê đậu ô tô là rối như đường Bùi Thị Xuân” - TS Nguyên nói.
Thực tế, ai cũng thấy hai bên đường Bùi Thị Xuân có đến cả trăm khách sạn và những điểm kinh doanh ăn uống cũng như doanh nghiệp. Trong khi đó, trong bán kính cả cây số của đường Bùi Thị Xuân không hề có bất kỳ điểm giữ xe, đậu ô tô nào. Vậy khách du lịch, tài xế taxi, người sử dụng ô tô phải làm gì ngoài việc liều mình “chiếm” lòng đường để đậu xe?!
Bỏ gần 80 tuyến đường cho phép giữ xe, đậu ô tô
Theo Sở GTVT TP, khoảng giữa năm 2012, UBND TP yêu cầu bỏ 42/160 tuyến đường cho phép sử dụng vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí; bỏ 36/73 tuyến đường cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí. Riêng quận 1 (nơi thiếu bãi đậu ô tô trầm trọng - PV) bỏ 10 tuyến đường.
Cũng trong năm 2012, 24 quận - huyện trên địa bàn TP đã ký cam kết và chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP về việc giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Bình luận (0)