Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế biển, việc xảy ra hàng loạt sự xâm lấn, va chạm trên biển Đông trong thời gian qua là xuất phát từ tiềm năng vô cùng to lớn của vùng biển này.
Nguồn năng lượng tương lai
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên - Môi trường), chuyên gia hàng đầu về kinh tế biển, cho rằng Việt Nam có tài nguyên biển vô cùng lớn.
Đó là khu vực nước sâu của biển Đông nói chung và khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam nói riêng mà cụ thể là băng cháy - nguồn năng lượng hóa thạch trong tương lai. Ngoài tiềm năng băng cháy ở các sườn lục địa biển Đông, Việt Nam có quyền nghĩ đến nhiều tài nguyên khoáng sản giá trị khác như sắt, mangan, bùn khoáng...
Đoàn thuyền của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi ra khơi trong lễ hội ra quân đánh bắt cá đầu năm 2011. Ảnh: TTXVN
Bên cạnh đó, vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là một trong 10 vùng biển đa dạng sinh học hàng đầu thế giới. Với đặc thù như vậy, Việt Nam có lợi thế về tài nguyên kinh tế biển vô cùng to lớn và là “của để dành” cho con cháu sau này.
“Nhìn từ góc nhìn tổng thể, tiềm năng vật chất và tài nguyên thiên nhiên mà biển Đông dành cho Việt Nam lại là lợi thế về không gian biển. Đây mới là tiềm năng vô giá mà Việt Nam có được từ biển Đông” - ông Hồi nhận định.
Bà Phạm Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cũng cho rằng với bờ biển dài trên 3.000 km và nằm trong số những nước có nhiều bãi biển, vịnh, đảo đẹp nhất thế giới, Việt Nam có nhiều ưu thế để phát triển du lịch biển, đảo.
Vươn ra biển
Nhìn nhận rõ tiềm năng và thế mạnh của kinh tế biển, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53% - 55% GDP và 55% - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, năm 2005, kinh tế biển đóng góp khoảng 48% GDP; năm 2007 là 49%; năm 2010, mặc dù các lĩnh vực kinh tế khác gặp khó khăn nhưng kinh tế biển vẫn bảo đảm tăng trưởng khá.
Các ngành kinh tế biển đóng góp lớn như: dầu khí 64%; hải sản 14%; vận tải biển và dịch vụ cảng biển 11%; du lịch biển khoảng 9%. Các ngành kinh tế liên quan trực tiếp đến khai thác tài nguyên biển như đóng tàu, sửa chữa tàu biển; giao thông biển; khai thác và chế biến dầu khí; đánh bắt, chế biến thủy sản; thông tin liên lạc, du lịch… bước đầu phát triển mạnh.
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng mục tiêu, tầm chiến lược của Việt Nam không phải là đạt bao nhiêu GDP từ kinh tế biển mà là khai thác tới đâu để hỗ trợ cho an ninh - quốc phòng và an ninh - quốc phòng mạnh sẽ bảo vệ được tiềm năng kinh tế biển.
Cần có tư duy đột phá
Theo PGS - TS Nguyễn Chu Hồi, đối với các quốc gia lớn như Mỹ, Nhật…, quan điểm của họ là lấy đại dương nuôi đất liền, còn tiềm năng kinh tế biển thuộc chủ quyền thì “cất giữ” cho con cháu sau này.
“Hãy loại bỏ quan niệm kinh tế ao nhà mà vươn xa ra biển, phải xem đó là sự tồn vong của đất nước. Đương nhiên, chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức và cản trở” - ông Hồi nhấn mạnh.
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng Việt Nam chỉ cần áp dụng theo đúng những quy định trong Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Cụ thể là đăng ký với Cơ quan Quản lý đáy đại dương của Liên Hiệp Quốc là có thể thăm dò, khai thác ở biển Đông, nơi khu vực không thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Đặc biệt, ASEAN đang hướng tới mục tiêu trở thành cộng đồng nên cùng khai thác, chia sẻ nguồn lợi to lớn trên biển Đông là phù hợp với luật pháp quốc tế. “Để khai thác tiềm năng kinh tế biển, trước hết cần có đột phá về tư duy, tiếp đó là có cơ chế chính sách và chuẩn bị điều kiện để thúc đẩy đầu tư” - ông Hồi nói.
Tiềm năng to lớn
Trên vùng biển rộng hơn 1 triệu km2 và nằm trong vùng triển vọng có dầu khí, trữ lượng dầu khí ngoài khơi miền Nam Việt Nam chiếm khoảng 25% trữ lượng dầu dưới đáy biển Đông, cho khả năng khai thác từ 30.000 - 40.000 thùng/ngày. Tổng trữ lượng dầu khí dự báo của toàn thềm lục địa Việt Nam khoảng 10 tỉ tấn. Bên cạnh dầu, Việt Nam có nhiều tiềm năng khí đốt với trữ lượng cho khả năng khai thác khoảng 3.000 tỉ m3/năm.
Ngoài ra, dưới lòng đáy biển và dọc bờ biển có nhiều tài nguyên khoáng sản quý như thiếc, titan, diricon, thạch anh, nhôm, sắt, mangan, đồng, kẽm và các loại đất hiếm... Vùng ven biển cũng có nhiều loại khoáng sản giá trị và tiềm năng như than, sắt, titan, cát thủy tinh, các loại vật liệu xây dựng khác… Tổng trữ lượng hải sản cho phép khai thác1,5-1,8 triệu tấn/năm.
Biển Việt Nam nằm ở vị trí giao thương huyết mạch quan trọng, con đường giao lưu thương mại quốc tế quan trọng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Dọc bờ biển có trên 100 địa điểm xây dựng được hải cảng, đặc biệt là cảng nước sâu. Du lịch biển là ưu thế đặc biệt gồm nhiều bãi tắm nổi tiếng. |
Bình luận (0)