Tuyên bố ngày 12-5-1977 của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ghi rõ: “Vùng tiếp giáp lãnh hải của nước CHXHCN Việt Nam là vùng biển tiếp liền phía ngoài của lãnh hải Việt Nam có chiều rộng là 12 hải lý hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải Việt Nam. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam thực hiện sự kiểm soát cần thiết trong vùng tiếp giáp lãnh hải của mình nhằm bảo vệ an ninh, bảo vệ các quyền lợi về hải quan, thuế khóa, bảo đảm sự tôn trọng các quy định về y tế, về di cư, nhập cư trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam”.
Khẳng định chủ quyền rõ ràng
Tiếp theo đó, trong hiến pháp các năm 1980, 1992, Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Việt Nam đã khẳng định rõ ràng chủ quyền của mình ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đặc biệt, trong tuyên bố của Chính phủ ngày 12-11-1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam.
Trong các năm 1979, 1981 và 1988, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam công bố các Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Các tài liệu này đã chứng minh rõ ràng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên tất cả cơ sở lịch sử, pháp lý và thực tiễn.
“Đường lưỡi bò” phi lý do Trung Quốc tự vẽ, bị nhiều nước phản đối. Ảnh: BBC
Để cụ thể hóa chủ quyền của mình, ngày 9-12-1982, Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam ra nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; quần đảo Trường Sa thành huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai; đến kỳ họp thứ VI, Quốc hội khóa VII ngày 28-12-1982 đã ra nghị quyết tách huyện đảo Trường Sa ra khỏi tỉnh Đồng Nai và sáp nhập tỉnh Phú Khánh.
Tháng 6-1989, tỉnh Phú Khánh tách thành tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. Năm 1996, tại kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa IX đã ra nghị quyết ngày 6-11-1996 tách huyện Hoàng Sa khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), sáp nhập TP Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.
Năm 2007, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ban hành Nghị định 65/2007/NĐ-CP ngày 11-4-2007 thành lập các đơn vị hành chính cho huyện đảo Trường Sa. Theo đó, huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa, có 3 đơn vị hành chính trực thuộc gồm: thị trấn Trường Sa và hai xã đảo: xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn.
Đây được xem là một quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta về việc khẳng định chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Từ đó cho đến nay, chính quyền của hai huyện đảo Hoàng Sa thuộc TP Đà Nẵng và Trường Sa thuộc Khánh Hòa vẫn đang thực hiện nhiệm vụ quản lý của mình.
Nhiều nước kịch liệt phản đối “đường lưỡi bò”
Thời gian gần đây, Trung Quốc xúc tiến mạnh mẽ quá trình tranh chấp chủ quyền ở biển Đông với Việt Nam. Ngày 7-5-2009, Trung Quốc đã công khai bản đồ “đường lưỡi bò” (còn gọi là đường 9 đoạn) kèm theo công hàm phản đối báo cáo của Việt Nam và Malaysia.
“Đường lưỡi bò” chính thức xuất hiện lần đầu tiên trên một bản đồ do chính quyền Cộng hòa Trung Hoa xuất bản vào tháng 2-1948, được thể hiện là một đường đứt khúc gồm có 11 đoạn, bao trùm xung quanh cả 4 nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên biển Đông.
Đến năm 1953, “đường lưỡi bò” bị bỏ 2 đoạn đứt khúc, nằm giữa đảo Hải Nam và bờ biển Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ, một đoạn nằm giữa Đài Loan và các đảo Lưu Cầu (Ryu Kyu) của Nhật Bản.
Từ thời điểm này, “đường lưỡi bò” chỉ còn 9 đoạn. Trên thực tế, yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là phi lý. Những luận điệu từ phía Trung Quốc cho rằng đã thực thi chủ quyền trên vùng biển này từ rất lâu là hoàn toàn vô căn cứ.
Các văn kiện chính thức của nhà nước phong kiến Trung Quốc, như Đại Nguyên nhất thống chí (1294) đến Đại Thanh nhất thống chí (1842) đều khẳng định “cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là Nhai huyện, đảo Hải Nam”.
Cho đến nay, Trung Quốc không đưa ra được các bằng chứng thuyết phục về vấn đề này. Trong khi đó, việc xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, cụ thể là ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là hoàn toàn có cơ sở, cả về phương diện lịch sử lẫn pháp lý quốc tế.
“Đường lưỡi bò” không chỉ bị Việt Nam mà cả Malaysia, Indonesia, Philippines… đều phản đối vì sự phi lý và thiếu cơ sở của nó. Ngay khi nó xuất hiện, ngày 8-5-2009, Việt Nam và Malaysia cùng gửi công hàm phản đối.
Ngày 8-7-2010, Indonesia gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, trong đó nói rõ “đường lưỡi bò” không có cơ sở nào trong luật pháp quốc tế.
Ngày 5-4-2011, Philippines cũng gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối “đường lưỡi bò”. Tất cả những hành động này cho thấy cộng đồng quốc tế không bao giờ chấp nhận yêu sách “đường lưỡi bò” vốn chiếm đến 80% diện tích biển Đông do Trung Quốc đưa ra.
Mọi sự xâm chiếm là trái luật quốc tế
Trải qua các thời kỳ lịch sử, tất cả các chính quyền có trách nhiệm về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền hợp pháp của mình.
Trong giai đoạn 1954-1975, trong khi 2 chính quyền ở miền Nam chịu trách nhiệm hành xử chủ quyền: một là Việt Nam Cộng hòa, hai là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng như chính quyền nước CHXHCN Việt Nam thống nhất đã tiếp tục bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Do đó, mọi sự xâm chiếm và tranh giành chủ quyền với Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hành động trái với luật pháp quốc tế, không có chứng cứ lịch sử. |
Bình luận (0)