Những vấn đề nóng như quy hoạch Sơn Trà, việc tham mưu ký rồi lại thu hồi văn bản ở Tổng cục Du lịch, việc cập nhật bài hát ở Cục Nghệ thuật biểu diễn, quản lý lễ hội, du lịch… đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Ngọc Thiện trả lời trong buổi chất vấn tại Quốc hội (QH) vào chiều 13-6.
Rất trăn trở, rất thấm thía...
Ít phút phát biểu trước khi nhận câu hỏi từ các đại biểu (ĐB) QH, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thẳng thắn đề cập những sự việc gần đây tại Cục Nghệ thuật biểu diễn và Tổng cục Du lịch. Bộ trưởng cho rằng đây là bài học sâu sắc. Bộ VH-TT-DL đã và đang chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, đổi mới tư duy và phương pháp quản lý, kiện toàn công tác cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ để công tác quản lý của ngành ngày một hiệu quả hơn.. "Là bộ trưởng tôi xin nhận trách nhiệm người đứng đầu" - ông Thiện nói.
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy về việc lập quy hoạch khu du lịch Sơn Trà, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định "quy hoạch du lịch Sơn Trà được lập đúng trình tự và quy định pháp luật. Khu vực này có hơn 4.000 ha, quy hoạch du lịch điều chỉnh 1.056 ha, vì dự án tầm quốc gia không thể ít hơn 1.000 ha. Trước khi Chính phủ ban hành quy hoạch, TP Đà Nẵng đã cấp phép cho 11 dự án du lịch ở Sơn Trà với hơn 5.000 phòng. Đến khi quy hoạch, số phòng rút xuống còn 1.600. Sau đó, có đề xuất tiếp tục đưa quy mô phòng lưu trú xuống thấp hơn nữa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cung cấp thông tin tại phiên chất vấn về bán đảo Sơn Trà Ảnh: NGUYỄN NAM
"Với Sơn Trà, tôi rất trăn trở. Trước đây, tôi công tác ở Huế, có một dự án tương tự là đồi Vọng Cảnh nên rất thấm thía" - ông Thiện chia sẻ và khẳng định tinh thần cầu thị về quy hoạch du lịch Sơn Trà.
"Hỗ trợ" Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trước những câu hỏi "nóng" về Sơn Trà, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ông đã trực tiếp nhìn tận mắt những gì đã xây dựng, đang xây dựng và những gì cần phải bảo tồn ở Sơn Trà. "Tôi đã đọc mấy trăm trang tài liệu, mời kiến trúc sư trực tiếp làm đồ án này lên để hỏi và sau đó tôi đã quyết định tạm dừng hoàn thiện quy hoạch. Thực chất là chưa triển khai quy hoạch này" - Phó Thủ tướng nói.
Sơn Trà không phải của riêng Đà Nẵng
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tháng 5 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã có ý kiến chính thức không đồng ý với kiến nghị giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà, không xây dựng thêm cơ sở lưu trú của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kiến nghị. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vẫn yêu cầu Đà Nẵng tiếp tục rà soát lại các dự án, làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về hướng và quy mô phát triển du lịch ở bán đảo Sơn Trà trên nguyên tắc phải phát triển bền vững.
"Phát triển Sơn Trà trước hết là phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng cho nên cần có sự thống nhất của chính quyền và phải được sự đồng thuận của người dân Đà Nẵng. Tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nếu Đà Nẵng sau khi rà soát lại tất cả mà thống nhất kiến nghị giảm quy mô đầu tư trên bán đảo Sơn Trà, xuống mức nào Chính phủ cũng sẽ đồng ý, miễn là dưới ngưỡng 1.600 phòng. Nếu Đà Nẵng thống nhất với các hiệp hội giữ nguyên trạng, Chính phủ cũng hoan nghênh. Cao hơn nữa, nếu Đà Nẵng và hiệp hội thấy rằng Sơn Trà chưa cần phát triển du lịch, xin rút khỏi các khu du lịch quốc gia, Chính phủ cũng đồng ý" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa lại có ý kiến cho rằng ở bán đảo Sơn Trà chỉ cần 300 phòng vì thực tế người ta đã có con số đăng trên báo chí rằng số phòng ở TP Đà Nẵng đang dư rất nhiều, trong khi đó từ trung tâm TP đi bán đảo Sơn Trà chỉ mất 15 phút. "Tôi cho rằng bán đảo Sơn Trà không phải của riêng TP Đà Nẵng. Do đó, khi nó có vấn đề thì Chính phủ phải vào cuộc" - ĐB Nghĩa nêu.
Sai nghiệp vụ rất sơ đẳng
Trước câu hỏi của ĐB Cao Thị Xuân về năng lực cán bộ trong việc cập nhật bài hát ở Cục Nghệ thuật biểu diễn, hay việc tham mưu ký rồi lại thu hồi văn bản ở Tổng cục Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng do năng lực cán bộ, nếu năng lực tốt đã không xảy ra như vậy.
Ông Thiện giải thích việc cập nhật 342 bài hát lên website của Cục Nghệ thuật biểu diễn là "những cái sai không đáng có, sai nghiệp vụ rất sơ đẳng trong quản lý nhà nước. Vì không ai yêu cầu cập nhật thì lại làm, hơn nữa lại cập nhật vào mục cấp phép". Bộ trưởng khẳng định: "Chúng tôi đã nhận trách nhiệm, đã đề ra giải pháp, kiểm điểm nguyên nhân, từ đó có giải pháp nâng cao năng lực, cần thiết thì thuyên chuyển cán bộ".
Bình luận (0)