Xuất phát từ thực tiễn
Dù cơ bản, ĐB HĐND TP HCM đồng tình về việc xây dựng một mô hình chính quyền mới nhằm thúc đẩy TP phát triển toàn diện nhưng vẫn có người băn khoăn về lợi ích, kinh phí thực hiện cũng như những phát sinh do các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không tương thích với đề án thí điểm.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM, phải xây dựng đề án này vì xuất phát từ thực tiễn có nhiều bất cập và truyền thống của TP là năng động, sáng tạo và luôn tìm tòi cái mới. Song, điều quan trọng nhất đòi hỏi sự cấp thiết phải xây dựng đề án là đổi mới cơ chế quản lý nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho TP đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.
ĐB Lâm Thiếu Quân băn khoăn: “Đọc hết đề án, tôi chưa thấy người dân hưởng lợi gì. Có phải đề án không quan tâm đến mong đợi của người dân? TP giải quyết sự mong đợi này như thế nào?”. Từ danh mục đính kèm với đề án, ĐB Quân nêu thực tế là TP có hơn 100 văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản này không tương thích với đề án. Làm sao với thẩm quyền của TP để giải quyết bất cập này? Nếu triển khai mô hình này, TP sẽ phát sinh rất nhiều chi phí, nhân sự thì lấy đâu ra?
ĐB Trịnh Xuân Thiều cũng thống nhất rằng điều đầu tiên khi xây dựng đề án là phải thể hiện cho được hiệu quả kinh tế - xã hội, điều mà người dân rất kỳ vọng. Ủy viên Thường trực HĐND TP HCM Nguyễn Thanh Chín thì cho rằng TP đang thí điểm bỏ HĐND cấp quận - huyện, phường, nếu thực hiện theo đề án thì HĐND được thiết lập lại ở 4 đô thị vệ tinh. Vậy mô hình mới có tương đương như mô hình cũ? Nếu tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì thẩm quyền HĐND sẽ thế nào?
Chia nhỏ, quản lý tốt hơn
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết chính quyền đô thị là mô hình mới và TP HCM đang gấp rút hoàn thiện bước cuối cùng trước khi trình Chính phủ để đưa ra Quốc hội. Tuy nhiên, không vì thế để nóng vội, khẩn trương mà cần nghe nhiều ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu HĐND TP cũng như nhân dân. |
“Loại đô thị 1 triệu dân là phù hợp, mới gắn được lợi ích của dân, sát với lợi ích của dân. Mô hình này hướng tới lấy lợi ích của dân là chính, bộ máy chính quyền chỉ để phục vụ” - ông Lịch khẳng định. Theo ông, việc bỏ HĐND cấp quận - huyện, phường vừa qua không phải là hình thành chính quyền đô thị. Nếu không tái lập, không tổ chức lại chính quyền cơ sở thành cấp chính quyền đầy đủ có HĐND thì đi ngược xu hướng dân chủ. Chính quyền đầy đủ phải có cơ quan dân cử. Việc không tổ chức HĐND là đi một bước lùi để tiến một bước mạnh hơn với thiết chế chính quyền dân chủ thực sự của dân chứ không hình thức.
Về chi phí xây dựng, đổi mới thể chế và cơ chế quản lý, ông Lịch cho rằng nếu không thực hiện thí điểm thì cũng phải làm nhưng tin rằng nếu tổ chức thành 4 đô thị thì quá trình đô thị hóa, xây dựng hạ tầng theo quy hoạch sẽ nhanh hơn nhiều so với cách quản lý hiện nay. Thay vì TP lo từng dự án thì trong tương lai, khi được trao cho cơ chế tự chủ, tốc độ thực hiện dự án sẽ nhanh hơn so với việc hiện nay.
Với hệ thống văn phạm quy phạm pháp luật không tương thích, ông Lịch thừa nhận đây là việc khó. Điều mà TP vướng nhất hiện nay là ngân sách thì sắp tới, Quốc hội sẽ sửa đổi luật theo hướng phân cấp mạnh hơn cho địa phương. Lúc đó, TP HCM sẽ tự chủ về tài chính.
Đảm bảo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm Theo đề án, chính quyền đô thị TP HCM sẽ xây dựng theo mô hình chuỗi đô thị, tổ chức phù hợp với loại đô thị đặc biệt có 2 cấp là cấp chính quyền TP trực thuộc Trung ương và chính quyền cơ sở. Mỗi cấp chính quyền là một pháp nhân công quyền, đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, có HĐND và UBND, hoạt động theo cơ chế phân cấp; quận - huyện, phường không tổ chức thành cấp chính quyền mà chỉ có cơ quan đại diện hành chính của cấp trên. Chính quyền cơ sở gồm 4 đô thị thành lập mới lấy tên là TP Đông, Nam, Tây, Bắc và các xã, thị trấn. UBND tại 4 đô thị mới do HĐND cấp tương ứng bầu và do UBND TP HCM phê chuẩn. Người đứng đầu 4 TP mới được đề nghị gọi là chủ tịch hoặc thị trưởng, có ngạch bậc tương đương với phó chủ tịch UBND TP. |
Bình luận (0)