Khi không nhìn thấy nụ cười trên gương mặt người dân TP thì chúng ta hiểu ngay rằng chính sách của chúng ta có vấn đề. Đó là sự nhạy cảm của người cộng sản chân chính khi Đảng cầm quyền. “Đây là nhận xét của ông Trần Bạch Đằng mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh rất tâm đắc và trăn trở. Từ đó, Tổng Bí thư đã mở ra đường lối đổi mới cho TP HCM sau giải phóng và cả nước”. Ông Nguyễn Trọng Xuất, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định, đã viết như vậy trong tham luận gửi hội thảo “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng miền Nam, với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, TP HCM” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1.7.1915-1.7.2015). Hội thảo do Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức sáng 22-6.
Bật đèn xanh cho “xé rào”, “tự cứu mình”
Là người may mắn được làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, ông Xuất nhớ mãi bài học từ vị lãnh đạo: “Phải nắm được thực chất của sự việc… Không dũng cảm phá vỡ cái vỏ trì trệ của nếp nghĩ cũ thì không thể nắm bắt được thực chất diễn biến xã hội và sẽ tụt hậu”.
Ngay trong phát biểu đề dẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải cũng khẳng định: “Tư duy đổi mới của đồng chí Nguyễn Văn Linh xuất phát từ thực tiễn, đó là kết quả của một quá trình luôn sát cánh với nhân dân, bám sát thực tiễn, nhìn thẳng vào sự thật, đặc biệt là những thiếu sót, khuyết điểm. Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những người có công lao to lớn góp phần hoạch định và chịu trách nhiệm cao nhất khi triển khai tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng”.
Chung sự kính phục ấy, PGS-TS Phan Xuân Biên, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho biết sau giải phóng, Sài Gòn được coi như nhiễm nặng chủ nghĩa thực dân mới, biết bao thói hư tật xấu được liệt kê làm mọi người nhìn nhận như một bức tranh nhiều vết mờ. Rồi đến thời kỳ hiểm nghèo, vừa đói khổ vừa thiên tai, địch họa với vô vàn khó khăn tưởng chừng không vượt qua được, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cùng TP HCM đã tìm cách làm ăn mới, tháo gỡ khó khăn, “tự cứu mình”. Cách làm ấy bị nhiều người phê phán TP HCM chạy theo “cơ chế thị trường”, phát triển “chủ nghĩa tư bản”, bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất là nghe “sặc mùi Nam Tư”...
Năm 1982, chỉ trong vòng một tháng, 6 đoàn kiểm tra đã đến TP HCM phê phán gay gắt, ban hành một số quy định “trói tay” các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã tỏ rõ bản lĩnh kiên cường, bám sát mục tiêu chiến lược, bám sát thực tế để có những cách làm mới phù hợp với vị trí của TP.
Ông Biên nhấn mạnh cho đến nay, những câu chuyện về tháo gỡ khó khăn, tìm cách làm mới từ thời bao cấp, “xé rào”, “làm lén” vẫn còn lưu giữ trong ký ức nhiều người. Mỗi lần nhắc đến, người ta đều kể về những vị lãnh đạo luôn khuyến khích, “bảo hộ”, bật đèn xanh, trong đó không thể không chịu ơn Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Tác phong nói và làm
Ông Nguyễn Thọ Chân, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động Việt Nam - người gắn bó mật thiết với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, xúc động: “Anh Linh là người đồng chí thân thiết, người anh đáng kính của tôi. Đến nay, tôi vẫn còn suy nghĩ nhiều về bản lĩnh và nhân cách của anh. Anh ra đi để lại sự nghiệp rực rỡ”.
Ông Chân kể khi ông, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và ông Hà Huy Giáp sống trong một nhà, ông Hà Huy Giáp lớn tuổi nên gọi 2 người bằng “chú mày”. “Cả khi anh Linh đã làm Tổng Bí thư, anh Hà Huy Giáp cũng nói: “Xem ra chú mày phải thay đổi cách làm việc”. Anh Linh gật đầu. Một lãnh đạo cao nhất mà vẫn lặng lẽ nhận lời khuyên từ đàn anh, thật đáng nể phục. Rồi một lần, đang chuẩn bị đại hội Đảng, mọi người đề cử anh Linh làm nhiệm kỳ Tổng Bí thư tiếp. Anh Linh điềm đạm nói mình tuổi cao khó tránh khỏi sai lầm nên để các đồng chí khác làm có lợi cho Đảng và nhân dân hơn. Tôi phục thái độ chân thành của anh” - ông Chân bày tỏ.
Nhớ lại nhiều cuộc dự họp cùng Tổng Bí thư, ông Chân nhận xét: “Anh Linh rất điềm đạm, khuyên tôi nghe nhiều hơn nói. Anh thường tâm sự: Điều quan trọng của người lãnh đạo là phải hiểu và thông cảm với anh em, trân trọng những công lao đóng góp của từng người và luôn trần tình, lắng nghe người khác. Anh Linh cũng không ưa những người làm ra vẻ quan trọng, coi thái độ đó là gian dối”.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM, cảm nhận: “Ông là một con người sống rất thật giữa chúng ta, là tấm gương liêm khiết, căn cơ mà không giáo điều, sách vở. Ông thận trọng mà dám quyết, nghiêm khắc mà chân tình”.
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh tâm sự: “Nhiều lần làm việc với anh Linh, tôi thấy anh luôn đề cao tác phong nói và làm, nhìn thẳng vào sự thật, phê phán sâu sắc “sự im lặng đáng sợ” thể hiện thái độ quan liêu, vô trách nhiệm của một số cán bộ, cơ quan của Đảng và nhà nước”.
“Thời gian không làm phai mờ mà càng sáng tỏ thêm những cống hiến to lớn của đồng chí với Đảng, với nhân dân và sự nghiệp cách mạng đất nước ta” - Bí thư Thành ủy TP HCM đúc kết.
Nỗi đau riêng sao bằng nỗi đau dân tộc
Bà Ngô Thị Huệ, phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cho biết cưới nhau 50 năm nhưng số ngày 2 người ở gần bên nhau không đầy 2 năm. “Anh động viên tôi, nói rằng khi đã chọn con đường này, đã gắn đời mình với cách mạng thì phải biết tin tưởng, chờ đợi nhau. Tình yêu, hạnh phúc cũng như những tù tội, đau đớn, thử thách mà chúng tôi cùng trải qua trong ngục tối của kẻ thù không thể bằng được nỗi đau của dân tộc. Hiểu được như vậy sẽ dễ cảm thông cho nhau, sẽ biết sống và hy sinh cho nhau hơn” - bà Huệ nhớ lại.
Bình luận (0)